Mang cá sạch Việt Nam ra khắp thế giới
Những con cá sạch Việt Nam như trê, tra, thác lác, sặc rằn... được cấy vi sinh vào thức ăn để phòng bệnh, cải tạo môi trường ao nuôi, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Dù chỉ nuôi các loại cá được xếp vào hàng cá tạp như trê, tra, thác lác, sặc rằn… nhưng ông Khưu Minh Hưng ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM) vẫn bỏ túi 5-6 tỷ đồng tiền lãi/năm nhờ chế tạo thành công máy chế biến thức ăn cho cá. Ông còn cấy vi sinh vào thức ăn để phòng bệnh, cải tạo môi trường ao nuôi, tạo ra những con cá sạch Việt Nam tươi ngon đưa đi xuất khẩu.
Đi thăm ao bằng... xe hơi
Dù đã được nghe cán bộ nông nghiệp xã Tân Thông Hội kể khá nhiều về lão nông Khưu Minh Hưng – một tỷ phú khởi nghiệp từ 100 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng NNPTNT, nhưng khi tận mắt ngắm cơ ngơi của ông, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ.
Chỉ về những vuông ao rộng hàng trăm m2, ông Hưng kể, năm 1990, gia đình ông đến ấp Thượng lập nghiệp và vay được 100 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT. “Ngay khi đó, tôi đã thuê vài cái ao ở đây để nuôi các loại cá tạp như trê, tra, thác lác, sặc rằn… Những năm đầu nuôi cá chết khá nhiều nên lời rất ít, có năm chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ vì phải mua thức ăn công nghiệp cho cá với giá khá đắt đỏ. Vậy là tôi quyết định sẽ tự sản xuất thức ăn cho cá của mình” - ông Hưng nói.
Theo đó, mỗi ngày ông Hưng cùng các thành viên trong gia đình đi khắp các khu chợ, lò mổ trên địa bàn mua các loại phế phẩm gia súc, gia cầm, cá… về xay nhuyễn với cám, ngô làm thức ăn cho cá nuôi.
Cũng trong thời gian này, ông Hưng tự mày mò và chế tạo thành công chiếc máy xay và trộn thức ăn cho cá. Mặc dù đã giải quyết được nguồn thức ăn, không phải mua thức ăn công nghiệp với giá cao như trước, nhưng ông Hưng vẫn chưa hết lo lắng vì vẫn phải đối mặt với tình trạng ao nhiễm khuẩn nặng, khiến cá thường xuyên bị bệnh, chết nhiều.
“Trước đây, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi, tôi thường phải thuê người nạo bùn, khử trùng,… chi phí rất tốn kém và phải làm thường xuyên, nếu không cá sẽ sinh bệnh. Thật may là nhờ bạn học của con, tôi có cơ hội tiếp cận với ngành vi sinh qua các tài liệu, nhờ đó học được cách điều chế vi sinh có lợi cho cá” – ông Hưng cho biết.
Cá sạch Việt Nam ra thế giới
Nhờ kiên trì theo đuổi phương pháp điều chế vi sinh vào thức ăn cho cá mà 2 năm sau, ông Hưng đã khiến người dân trong vùng phải thán phục khi sản lượng cá trong ao nuôi liên tục tăng, chi phí nuôi giảm nên lợi nhuận thu về cao ngất ngưởng. Tiền lời được ông dùng mua lại 5ha đất quanh khu vực để mở rộng diện tích nuôi. Hiện tại, doanh thu từ việc nuôi cá của gia đình ông Hưng đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các chi phí và nhân công, ông bỏ túi từ 5 - 6 tỷ đồng/năm.
Lão nông Khưu Minh Hưng bên máy chế biến và trộn thức ăn cho cá.
Ông Hưng cho biết thêm: “Nhờ diện tích nuôi lớn, đặc biệt là có công trình nghiên cứu thành công cấy vi sinh vào thức ăn mang lại hiệu quả cao nên tôi được Ngân hàng NNPTNT cho vay đến 9,8 tỷ đồng để mở rộng sản xuất”.
Ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, thông qua công ty của gia đình, lão nông Khưu Minh Hưng đã xuất khẩu hàng trăm tấn cá qua các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Campuchia… “Do không sử dụng thuốc nên sản phẩm cá của gia đình được đánh giá là sạch và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ. Mới đây tôi còn xuất khẩu cá qua cả thị trường Nhật. Nhiều người cứ nghĩ xuất khẩu qua nước ngoài, nhất là mấy thị trường khó tính như Nhật, Mỹ thì phải là các loại cá cao cấp, thực tế cho thấy, thị trường các nước này cũng rất thích các loại cá tạp như thác lác, sặc rằn…, miễn phải đạt chuẩn về vi sinh” - ông Hưng cho biết thêm.
Ông Khưu Minh Hưng cho biết: “Lâu nay thị trường thế giới thường biết nhiều đến cá basa của Việt Nam, còn các loại cá như trê, sặc rằn, thác lác… thì ít người biết đến. Vì vậy, mục tiêu sắp tới của tôi là sẽ giới thiệu các loại cá này ra thị trường thế giới rộng hơn nữa, vừa nhằm tăng lợi nhuận, vừa để thế giới biết chúng ta còn có nhiều loại đặc sản thơm ngon khác như sặc rằn, thác lác...”.