Mật độ vi khuẩn cao ảnh hưởng gì đến tôm
Trong ao nuôi tôm, vi khuẩn luôn hiện hữu khắp mọi nơi. Một số loài vi khuẩn có khả năng hỗ trợ duy trì sức khỏe tôm tốt hơn, nhưng cũng có một số loài vi khuẩn nếu xuất hiện sẽ là nỗi lo lắng cho bà con nuôi tôm.
Ao tôm là một hệ sinh thái rất phức tạp, liên quan đến các vật chất hữu cơ và chất dinh dưỡng tái sử dụng hoặc loại bỏ, đặc biệt là nito. Các cộng đồng vi khuẩn trong ao là một phần của chuỗi thức ăn, góp phần vào quá trình sinh học và đóng một vai trò quan trọng trong kiểm soát vệ sinh ao.
Tuy nhiên, một sự thay đổi trong hệ sinh thái cân bằng này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi khuẩn không mong muốn, bao gồm các mầm bệnh tiềm tàng hoặc ảnh hưởng đến chu kỳ nito và việc loại bỏ các chất hữu cơ.
Vi khuẩn có lợi cho ao tôm
Các vi khuẩn có lợi là các vi khuẩn góp phần kiểm soát dịch bệnh cho ao nuôi như làm sạch nền đáy ao, phân hủy chất hữu cơ hấp thu xác tảo, làm giảm sự gia tăng lớp bùn ao, ức chế sự hoạt động và phát triển của các vi khuẩn có hại.
Chúng còn chuyển hóa các khí độc gây hại cho tôm như NH3,NO2,H2S,... giúp ổn định tảo và màu nước ao nuôi. Một số chủng vi khuẩn khi sử dụng sẽ làm tăng hàm lượng oxy, ổn định pH và các chỉ số môi trường trong ao nuôi.
Vi khuẩn có lợi cho ao tôm hầu hết là vi khuẩn hiếu khí vì sản phẩm sau xử lý của chúng là khí CO2, H20. Các vi khuẩn yếm khí có hại trong bùn đáy đen sẽ sinh ra khí H2S, NO2 gây độc cho tôm.
Vi khuẩn có hại cho ao tôm
Một trong những loại vi khuẩn có hại được nhắc đến đầu tiên trong nuôi tôm đó là vi khuẩn Vibrio. Ở điều kiện môi trường ao nuôi nước lợ, nước mặn, nơi có độ mặn cao, nhiệt độ ấm, đầy đủ thức ăn đây là các yếu tố môi trường thích hợp cho vi khuẩn Vibrio. Khi môi trường ao nuôi ô nhiễm, chất thải hữu cơ, khí độc,…sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Vibrio gây bệnh phát triển nhanh, chiếm ưu thế và xâm nhập gây bệnh cho tôm.
Vi khuẩn Vibrio có độc tính cao có thể giết chết tôm khi tiếp xúc với sự hiện diện rất ít của mầm bệnh hoặc khi tôm ăn phải một lượng nhỏ vi khuẩn.
Chúng có khả năng lây nhiễm rộng và lan nhanh chóng, Vibrio có thể lan truyền trong không khí thông qua các hạt sương nhỏ đến một khoảng cách rất xa, vì thế rất khó để kiểm soát, tiêu diệt loài vi khuẩn này gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn mang độc tố, chúng có thể truyền khả năng sinh độc tố cho nhau nhóm vi khuẩn này tồn tại trong môi trường ao nuôi sẽ ảnh hưởng đối với vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến tôm nuôi. Chúng có khả năng thích nghi và kháng thuốc kháng sinh, kháng chất diệt khuẩn nên việc điều trị tiêu diệt vi khuẩn Vibrio sẽ rất khó.
Vậy khi vi khuẩn phát triển với mật độ dày sẽ ảnh hưởng đến tôm như thế nào?
Đối với vi khuẩn có lợi, việc chúng phát triển nhanh chóng, thuận lợi ở môi trường nước ao nuôi đem lại rất nhiều lợi ích cho người nuôi tôm. Ở một số ao, nếu mật độ vi khuẩn có lợi ít hoặc làm việc kém hiệu quả, người nuôi nên bổ sung thêm để giúp hỗ trợ ao nuôi ổn định, tôm phát triển khỏe mạnh hơn.
Ngược lại, nếu vi khuẩn gây hại phát triển với mật độ dày đặc, đây là tình trạng đáng báo động cho ao nuôi cũng như sức khỏe tôm đang sinh trưởng tại ao.
Một số dấu hiệu cơ bản để nhận thấy tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio như:
- Lờ đờ
- Bỏ ăn
- Gan tụy bị mất màu dần và hoại tử
- Cơ thể tôm hơi đỏ,
- Vàng mô mang,
- Xuất hiện các mảng trắng ở cơ bụng,
- Gây hiện tượng Melanin hóa (xuất hiện đốm đen)
- Khối u có vỏ bọc dạng hạt trên cơ thịt tôm
- Các cơ quan khác nhau bị hoại tử và tổn thương, chẳng hạn như cơ quan sản xuất lympho, mang, tim,...
- Gây ra hiện tượng phát sáng
Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, vi khuẩn Vibrio có liên quan đến một số bệnh nguy hiểm nhất như:
- Vibrio harveyi có liên quan đến bệnh phát sáng là mầm bệnh chính tấn công ấu trùng tôm và gây chết hàng loạt.
- V. vulnificus, V. fluvialis, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. damselae (Photobacterium damselae), V. mimicus và V. cholera có liên quan đến bệnh phân trắng (WFD) – bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước sản xuất tôm.
- V. parahaemolyticus cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra EMS / AHPND.
Chúng tăng sinh nhanh trong môi trường ao nuôi, trung bình cứ 20 phút số lượng Vibrio lại được nhân lên gấp đôi. Thậm chí khi dùng kháng sinh hay diệt khuẩn tiêu diệt 99,99% Vibrio đã bị tiêu diệt thì 0,01% còn lại trong vòng 5 – 6 giờ với điều kiện thuận lợi chúng vẫn tiếp tục phát triển, sinh sôi và khôi phục số lượng như ban đầu, rất nguy hiểm nếu trong ao vẫn còn tồn tại vi khuẩn vibrio.
Vì vậy, khi bà con phát hiện các dấu hiệu kể trên, hãy tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, sử dụng các biện pháp diệt khuẩn an toàn cho ao nuôi.