TIN THỦY SẢN

Mật độ vi sinh trong ao bao nhiêu là hợp lý?

Quản lý vi sinh vật trong ao nuôi là một phần không thể thiếu trong sản xuất cá và tôm chất lượng cao. Ảnh: ambio.vn Mây

Vi sinh được biết đến như một công nghệ mới giúp người nuôi dần thay thế việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm, cũng như có thể giúp tôm tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Vậy mật độ vi sinh nên có trong ao là bao nhiêu? Hãy cùng làm rõ vấn đề dưới đây nhé!

Sự giúp ích của men vi sinh trên tôm nuôi

Men vi sinh hay chế phẩm sinh học (Probiotics) được mô tả như là thành phần của một tế bào vi sinh vật mang lại tác dụng hữu ích trên vật chủ bằng cách cải thiện khả năng kháng bệnh, thúc đẩy sự tăng trưởng, sử dụng thức ăn và tình trạng sức khỏe, thông qua việc đạt được sự cân bằng vi khuẩn trong cả vật chủ và môi trường xung quanh. 

Trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học (Probiotics) bao gồm tất cả các vi sinh vật có tác dụng hữu ích trên vật chủ, và được bổ sung vào môi trường nước, nhầm kiểm soát dịch bệnh, phân hủy chất hữu cơ, chất thải trong ao.

Cùng với thức ăn, chế độ cho ăn tối ưu và quản lý kỹ thuật chăn nuôi đúng đắn, quản lý vi sinh vật trong ao nuôi là một phần không thể thiếu trong sản xuất cá và tôm chất lượng cao.  Sử dụng vi sinh trong nuôi tôm trên thị trường có rất nhiều chủng loại với nhiều thương hiệu khác nhau.

Vi sinh tạo màu đẹp cho ao nuôi tôm. Ảnh: Tép Bạc

Tuy nhiên, thời điểm sử dụng vi sinh đạt hiệu quả tối ưu tùy vào mục đích sử dụng cần dùng đúng thời điểm, đúng mục đích để đạt hiệu quả sử dụng tốt nhất. Thời điểm sử dụng vi sinh tùy mục đích sử dụng

Cải thiện chất lượng nước

Vi sinh cải thiện chất lượng nước, kiểm soát mức độ ô nhiễm trong ao tôm: phân hủy nhanh các chất cặn bã hữu cơ, giảm chất tích tụ dưới đáy ao, hạn chế khí độc, các chất ô nhiễm khác và ức chế vi khuẩn gây hại trong ao tôm.

Dùng vi sinh gây màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển như: tảo khuê, tảo lục, … Khi tảo khuê phát triển sẽ tạo ra màu nước ổn định (màu trà nhạt) thích hợp cho tôm phát triển. Và hạn chế tảo có hại phát triển như: tảo lam, tảo giáp, tảo mắt, …

Giảm khí độc NH3, NO2,...

Men vi sinh xử lý đáy sẽ oxy hóa lớp bùn đáy tích tụ là nguyên nhân hình thành khí độc. Có nhiều chủng vi sinh giảm được khí độc. Tuy nhiên, khi sử dụng chủng vi khuẩn tự dưỡng (Nitro) nên lưu ý chủng này có thể chuyển từ NH3→NO2 nhanh nhưng từ NO2 →NO3 thì rất chậm. Vì vậy, để xử lý khí độc an toàn nên sử dụng chủng vi sinh dị dưỡng (Bacillus).

Cắt tảo trong ao nuôi

Dùng vi sinh cắt tảo hiệu quả từ từ nhưng an toàn hơn dung hóa chất cắt tảo

Xử lý mùi hôi thối dùng vi sinh tạt trực tiếp lên bề mặt các nơi sinh ra mùi hôi thối

Hỗ trợ sức khỏe tôm

Vi sinh hỗ trợ đường ruột, men tiêu hóa cho tôm, cân bằng hệ men đường ruột tôm, giúp tôm tiêu hóa tốt hơn và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, và ngăn vi khuẩn gây bệnh phát triển và giảm nguy cơ nhiễm trùng cho tôm. 

Giúp đường ruột tôm hấp thụ nhanh thức ăn, mau lớn, đồng đều kích cỡ nên dùng vi sinh đường ruột hay men tiêu hóa trộn cho ăn hàng ngày. Hoặc ủ vi sinh (nuôi sinh khối) kết hợp tỏi, nấm đông trùng, rượu, …  

Giúp tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu với các điều môi trường bất lợi; tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn; kích thích sinh sản; tiêu diệt các vi sinh vật có hại; hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mật độ vi sinh có thể rất nhiều hoặc rất ít, điều này ảnh hưởng đến tôm. Ảnh: Tép Bạc

Mật độ vi sinh phù hợp cho ao nuôi

Môi trường ao nuôi thuỷ sản là nơi lý tưởng cho sự phát triển của vi sinh vật nói chung và vi khuẩn nói riêng. Sự cung cấp thức ăn cho tôm cá tạo nên nguồn carbon dồi dào cho sự phát triển của các nhóm vi sinh vật trong ao trong suốt quá trình nuôi nên mật số vi sinh vật cũng cao hơn trong trong các thuỷ vực tự nhiên (10^5-10^7 CFU/mL). 

Sự vượt trội về số lượng của nhóm vi sinh vật có lợi sẽ giúp nâng cao năng suất nuôi trong khi nhóm vi sinh vật có hại phát triển vượt trội sẽ gây nên dịch bệnh cho tôm cá gây tổn thất cho người nuôi.

Trong tự nhiên, sự phát triển của các nhóm vi sinh vật trong môi trường hầu như là ngẫu nhiên. Đối với các hệ thống nuôi thuỷ sản, sự tác động của con người như khử trùng hệ thống nuôi, loại bỏ chất thải, sử dụng hoá chất hay thuốc phòng trị bệnh, v.v… với mục đích chủ yếu là hạn chế sự xâm nhập và phát triển của các vi sinh vật gây bệnh cho tôm cá nuôi. 

Tuy nhiên, các biện pháp này có nhược điểm là làm mật số vi sinh vật trong các hệ thống nuôi giảm xuống, cả vi sinh vật có hại lẫn có lợi. Sau khi tác động này chấm dứt, quần xã vi sinh vật sẽ phục hồi và sự phát triển vượt trội của các nhóm vi sinh vật này cũng là ngẫu nhiên. 

Trong ao nuôi các vật chất hữu cơ không ngừng bị phân hủy bởi các vi sinh vật. Chúng sử dụng các hợp chất hữu cơ để thu nhận các tiền chất cho việc xây dựng nên các tế bào của mình và thu năng lượng cho các hoạt động sống. 

Đĩa cấy khuẩn để kiểm tra mật độ

Nhiều vi sinh vật trong thuỷ vực như vi khuẩn, nấm mốc và một số xạ khuẩn tham gia vào quá trình này, chủ yếu là các loài vi khuẩn thuộc các giống Bacillus, Pseudomonas, Clostridium như Bacillus mesentericus, B. mycoides, B. subtilis, Pseudomonas flourescens, Clostridium sporogenes... và các vi nấm như Aspergillus oryzae, A. niger,... Số lượng của chúng trong các thủy vực khác nhau thì rất khác nhau, thường trong các thủy vực nước ngọt số lượng của chúng nhiều hơn các thủy vực nước lợ, mặn. Nhiệt độ tối ưu cho sự amôn hóa là từ 25 - 30°C.

Vi khuẩn dị dưỡng tổng cộng dao động từ 10^4-10^6 CFU/g. Bacillus dao động 10^4 - 10^5 CFU/g có khuynh hướng ổn định trong suốt vụ nuôi. Nitrosomonas dao động 7 - 2,6 × 10^3 MPN/g. Nitrobacter có mật độ thấp nhất và dao động từ 5,5 - 1,9 × 10^3 MPN/g và tổng Vibrio có khuynh hướng tăng dần từ đầu vụ đến cuối vụ và dao động từ 2,1 × 10^2 - 1,5 × 10^5 CFU/g.

Mây