TIN THỦY SẢN

Mất Tết vì ngao tiêu thụ chậm, giá giảm

Cách đây 3 năm, nhiều người nuôi ngao ở các xã Minh Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc… của huyện Hậu Lộc phất lên nhanh chóng từ nghề nuôi ngao, thu lãi tới 400 – 500 triệu đồng/ha, khiến bà con đổ xô ra biển nuôi ngao. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ chững lại nên năm nay, người nuôi ngao không những trắng tay mà còn có nguy cơ thành “chúa Chổm” của ngân hàng với số nợ lên đến hàng tỷ đồng.

Theo một số ngư dân, trước đây, ngao thịt thường được thương lái thu mua ở mức 25.000 đồng/kg nhưng hiện giá chỉ còn 14.000 đồng/kg, song cũng chẳng có ai đến mua.

Chúng tôi có mặt tại xã Đa Lộc, nơi có diện tích mặt nước nuôi ngao lớn nhất huyện Hậu Lộc với 436ha, trong đó có trên 300ha đã đưa vào canh tác, ông Bùi Thế Sinh, Chủ tịch UBND xã cho biết:

“Người nuôi ngao ở địa phương như đang ngồi trên lửa. Trước đây, ngao chủ yếu xuất sang thị trường châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, nhưng năm nay thị trường này bỗng dưng chững lại, ngao đã quá tuổi thu hoạch mà chả thấy ai tới thu mua, chính quyền xã cũng bó tay trước khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ngao không được thu hoạch, đồng nghĩa với việc người dân trong xã mất Tết, chưa kể phải gánh một khoản nợ ngân hàng”.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Yên Đồng (xã Đa Lộc) than thở: “Thấy người ta nuôi ngao có lời, năm trước gia đình cũng đầu tư 200 triệu đồng thả ngao quảng canh, thu được hơn 400 triệu đồng. Do lời cao nên vụ ngao năm 2012, tôi tiếp tục đầu tư hết cả vốn lẫn lãi, thậm chí còn vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng xuống giống nuôi ngao theo hình thức công nghiệp, hy vọng đổi đời. Ai ngờ giờ đây ngao giảm giá liên tục, lại không tiêu thụ được. Số nợ ngân hàng gia đình tôi không biết tính sao đây…”.

Theo tính toán của chính quyền xã Đa Lộc, mỗi 1ha nuôi ngao, người dân phải đầu tư khoảng 700 - 800 triệu đồng, nguồn vốn này chủ yếu vay ngân hàng. Hiện, xã còn tồn khoảng 6.000 tấn ngao, trị giá hơn 100 tỉ đồng.

Không chỉ ở Đa Lộc mà hàng trăm hộ nuôi ngao ở các xã Minh Lộc, Hải Lộc cũng đang lao đao vì ngao. Theo bà con, nếu từ giờ đến Tết Nguyên đán mà không bán được thì xem như hàng trăm tấn ngao trên bãi nuôi coi như vứt đi, hàng trăm tỷ đồng của người dân cũng có nguy cơ trôi theo biển.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Huyện cũng đang lo lắng trước tình trạng ngao trượt giá và không có người thu mua.

Hiện, mỗi ngày chỉ có 1 - 2 chuyến xe tải vào bốc hàng, thu mua khoảng 10 - 20 tấn ngao, chẳng bõ bèn gì so với hàng nghìn tấn ngao đang ngâm dưới biển”.Theo ông Long, tại vùng triều của huyện hiện có khoảng 400 hộ nuôi ngao trên diện tích 800ha, trong đó có khoảng 30.000 tấn ngao thịt, trị giá hơn 400 tỷ đồng chưa tiêu thụ được. Trước tình trạng tiêu thụ ngao khó khăn, huyện Hậu Lộc đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, hỗ trợ người nuôi ngao vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngoài ra, huyện cũng có phương án cắt giảm hoặc miễn tiền thuê bãi cho người dân, đồng thời kêu gọi ngân hàng chung tay gia hạn nợ cho người nuôi ngao.

kinhtenongthon.com.vn