Màu xanh trên đất lúa - tôm
Thời tiết không thuận lợi, đất đai nhiễm mặn cao, người dân thiếu mặn mà sản xuất vụ lúa là những nguyên nhân chính khiến diện tích xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay ở huyện U Minh không đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, trên cánh đồng lúa - tôm ở huyện U Minh vào thời điểm này vẫn bắt gặp màu xanh mơn mởn của lúa đang phát triển.
Không nằm ngoài dự báo của chính quyền địa phương, vụ lúa - tôm năm nay nông dân huyện U Minh thực hiện không đạt chỉ tiêu đề ra. Ðến thời điểm này, diện tích xuống giống được khoảng 6.000 ha (đạt trên 30% chỉ tiêu).
Ðây là 1 năm diện tích xuống giống vụ lúa này thấp nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân do tâm lý e dè của nông dân khi vụ lúa - tôm năm trước bị thất trắng. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại nhưng không thể bù đắp được tiền bạc và công sức đã bỏ ra.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn hộ dân vẫn quyết tâm không bỏ vụ lúa mặc dù biết rằng sản xuất sẽ gặp khó khăn, tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, đã có nhiều diện tích bị thiệt hại nhưng bà con vẫn khắc phục bằng cách cấy hoặc gieo sạ lại.
Bên cạnh sự tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chuyên môn thì nhiều hộ nông dân đã chủ động cho vụ sản xuất, như khâu rửa mặn, gieo mạ và xuống giống. Năm nay thời tiết cũng "ủng hộ" nông dân với lượng mưa nhiều và kéo dài cho đến nay. Bà con cấy lúa cho biết, nhờ nước mưa rửa mặn nên lúa sau khi cấy đã dần xanh và phát triển tốt.
Ðể sản xuất vụ lúa - tôm thích nghi với điều kiện thời tiết và môi trường vuông tôm, ngành nông nghiệp huyện U Minh khuyến khích nông dân gieo sạ thay vì cấy như trước đây. Do đó số diện tích gieo sạ năm nay rất cao, khoảng 3.000 ha, chiếm phân nửa diện tích đã xuống giống.
Nhằm giúp nông dân duy trì mô hình bền vững lúa - tôm, năm nay, huyện U Minh phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng 2 mô hình cánh đồng lớn lúa - tôm ở Ấp 5, xã Khánh Tiến và Ấp 1, xã Khánh Lâm, với tổng diện tích hơn 280 ha, của hơn 140 hộ dân. Mô hình được thực hiện với sự hướng dẫn của các kỹ sư ngành nông nghiệp, Nhà nước hỗ trợ giống một bụi đỏ. Ða số hộ dân trong mô hình này chọn cách gieo sạ.
Anh Hà Văn Quăn, ở Ấp 1, xã Khánh Lâm đã gieo sạ lúa được hơn tháng nay, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phát triển xanh tốt, chưa phát hiện hiện tượng bất thường trên lúa. Cánh đồng của anh Quăn khoảng 2,5 ha, được hỗ trợ 90 giạ lúa giống, bình quân mỗi công, anh Quăn gieo sạ 6 kg giống.
Theo anh Quăn, thời tiết năm nay đầu vụ không thuận lợi do mưa ít, độ mặn trong vuông cao nên xuống giống sớm sẽ bị thiệt hại. Nhưng kể từ giữa tháng 9 đến nay, lượng mưa nhiều, rửa mặn thuận lợi, thích hợp cho xuống giống lúa. Do làm tốt khâu rửa mặn và xuống giống vào thời điểm thích hợp nên lúa của anh Quăn phát triển tốt.
Theo kinh nghiệm của anh Quăn, mô hình này sản xuất giống lúa Một bụi đỏ là chưa phù hợp, vì thời gian từ khi gieo sạ đến thu hoạch khoảng 125 ngày, là quá dài. Ðối với sản xuất lúa - tôm hiện nay thì chọn giống ngắn ngày sẽ phù hợp hơn.
Cánh đồng lúa của hộ ông Nguyễn Văn Học cũng đang phát triển xanh tốt. Cùng thực hiện mô hình với anh Quăn nhưng ông Học làm lúa cấy. Ông Học có khoảng 5 ha đất nuôi tôm, vụ lúa năm nào ông Học cũng không bỏ đất trống. Ông Học cho biết: “Cấy lúa sẽ rất tốt cho vuông nuôi tôm, nếu không cấy lúa cũng phải trồng cỏ, trồng năn. Thay vì làm như vậy thì mình cứ cấy lúa, nếu không thu hoạch được lúa thì cũng cải tạo được môi trường vuông tôm”.
Ngoài 2 mô hình cánh đồng lớn ở xã Khánh Tiến và xã Khánh Lâm, huyện U Minh còn thực hiện mô hình thí điểm sạ lúa - tôm theo hướng VietGAP ở Ấp 4, xã Nguyễn Phích, có 30 hộ dân tham gia thực hiện, mỗi hộ 1 ha. Giống lúa được áp dụng cho mô hình là giống ST 20. Nhà nước hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón. Nông dân thực hiện mô hình cũng được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất theo chuẩn VietGAP.
Theo đánh giá của cán bộ quản lý mô hình, qua 1 tháng gieo sạ lúa đang phát triển tốt, thích nghi với môi trường nhiễm mặn. Cũng theo đánh giá của ngành chuyên môn, mô hình này rất triển vọng, sẽ mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân.
Ngoài các cánh đồng của mô hình lúa đang phát triển thì rải rác ở các khu vực ngoài mô hình vẫn bắt gặp màu xanh của lúa. Dẫu biết khi xuống giống sẽ gặp khó khăn khi thời tiết ngày một bất lợi, đất đai bị nhiễm mặn cao nhưng bà con vẫn quyết duy trì mô hình bền vững này.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, vụ lúa là thời gian nghỉ ngơi, phục hồi của đất. Cây lúa còn giúp cải tạo môi trường vuông nuôi tôm trong lành hơn, gốc rạ sau khi phân huỷ sẽ tạo ra nguồn thức ăn cho tôm. Nhiều diện tích nuôi thường trúng vụ tôm đầu sau khi thu hoạch lúa.