Mêhicô: Phát triển thành công mô hình nuôi tôm bền vững mới “tôm-rong biển”
Phát triển nuôi tôm đôi khi gặp phải khó khăn do dịch bệnh, tiêu tốn nhiều thức ăn hay tàn phá môi trường. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng việc nuôi tôm bản địa Farfantepenaeus californiensis kết hợp với rong biển có thể là giải pháp cho nuôi tôm bền vững.
Trong bài thuyết trình tại Hội nghị Nuôi trồng thủy sản Mỹ 2014 (Aquaculture America 2014), ông Benjamin Moll đến từ Aonori Aquafarms đã giải thích rằng việc sử dụng Ulva - một loại rong biển có hàm lượng protein cao - có thể giúp làm giảm lượng thức ăn viên bổ sung trong quá trình nuôi. Là một loại rong biển nổi trên mặt nước, Ulva hấp thu các chất thải như CO2, a-mô-ni-ắc, phốt-phát, nitơ và các chất thải khác của tôm, làm cho nước trong hệ thống nuôi luôn sạch.
Ông Moll cũng lưu ý rằng, nghiên cứu ban đầu thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sinaloa, Mêhicô, nhưng do nhiệt độ nước quá cao (khoảng 35ºC), không phải là nhiệt độ lý tưởng cho Ulva (nhiệt độ thích hợp từ 12-30ºC). Để khắc phục vấn đề này, tôm nâu Mêhicô (Farfantepenaeus californiensis) đã được lựa chon thay thế cho tôm thẻ chân trắng do nhiệt độ thích hợp của chúng là từ 20-30ºC, đồng thời, nghiên cứu cũng được chuyển sang thực hiện tại các ao nuôi trong nhà kính ở San Quintin, Mêhicô.
Nhìn chung, hệ thống nuôi tỏ ra bền vững và có kết quả tốt. Việc sử dụng rong biển Ulva giúp giảm chi phí thức ăn, đồng thời giúp giữ lại nitơ trong hệ thống, do vậy nguồn nước thải ra từ hệ thống không bị ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện mỗi con tôm cái sinh khoảng 200.000-400.000 trứng và có khả năng nở tốt, do vậy không cần bổ sung nguồn tôm giống tự nhiên trong quá trình nuôi,.
Lợi ích khác của mô hình nuôi này là tác dụng kháng virus của Ulva khiến tôm ít có nguy cơ bị bệnh. Tỷ lệ sống của tôm khá cao, đạt khoảng 60%.
Mặc dù tôm trong thí nghiệm không đạt được mức tăng trưởng cao, song chi phí sản xuất thấp cũng như chất lượng tôm được đảm bảo đã khẳng định sự thành công của mô hình nuôi này.