Mô hình cá lồng, bò thịt hàng trăm triệu trên sông Nậm Nơn
Nhận thấy lợi thế từ nguồn nước và đồi rừng, ông Phạm Văn Thân ở bản Cửa Rào 1 xã Xá Lượng,Tương Dương đã nuôi cá lồng, nuôi bò hiệu quả cao.
Ông Phạm Văn Thân cho biết: Tận dụng nguồn nước sông, gia đình thử nuôi cá lồng bè từ năm 2005. Thời điểm ban đầu rất khó khăn do không có vốn, lại thiếu kỹ thuật nên gia đình chỉ đầu tư nuôi 1 lồng cá. Dần dần ông đã tăng lên 2 lồng cá với các loại chép, trôi, trắm cỏ… Nhờ nguồn phù sa tự nhiên dồi dào, cá nuôi trong lồng lớn nhanh, mỗi năm thu từ cá được từ 30-40 triệu đồng.
Tích cóp vốn liếng, ông chăn nuôi thêm bò, lợn thịt. Để chăn nuôi bò đảm bảo ăn chắc, ông Thân đầu tư gần 80 triệu đồng xây dựng chuồng trại, giữ ấm cho bò không bị giá rét khi mùa đông đến và trồng cỏ voi cho bò ăn. Đến nay ông có 7 con bò, trong đó 1 con bò đực, 6 bò sinh sản, mỗi năm sinh sản 4-5 con bê con. Mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng tiền bán bê con.
Tận dụng vườn rộng gần 1 ha, đầu năm 2016, ông Thân tiếp tục vay thêm vốn đầu tư 200 triệu đồng để làm chuồng trại nuôi lợn sinh siêu nạc. Chuồng trại của ông xây dựng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của một trang trại chăn nuôi, diện tích rộng 320 m2, chia thành 10 ô.
Ông Phạm Văn Thân đang cắt cỏ voi cho bò ăn
Nhờ chăn nuôi, ông còn có đủ gas phục vụ sinh hoạt gia đình. Ở nơi miền núi rẻo cao mà sản xuất được gas như ông Thân cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tính ra doanh thu từ cá lồng, bò, lợn thịt của ông mỗi năm đạt gần 300 triệu đồng.
Nhờ chủ động được cỏ voi nên đàn bò phát triển tốt
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Thân tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương ổn định và rất đáng để bà con miền núi đến học hỏi kinh nghiệm.
Mỗi năm ông Thân xuất chuồng gần 100 con lợn thịt doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng