TIN THỦY SẢN

Mô hình Hợp tác xã NTTS đem hiệu quả cao

Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở xã Nga Tân (Nga Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. Lê Hợi

Những năm qua, các mô hình HTX nuôi trồng thủy sản (NTTS) hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò là “bà đỡ” cho người dân vùng triều ở các địa phương ven biển trong NTTS và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cho người dân.

Sau khi nghiên cứu mô hình HTX NTTS của một số địa phương trong tỉnh về hiệu quả, lợi ích mang lại cho hội viên NTTS, năm 2018, xã Nga Tân (Nga Sơn) quyết định thành lập HTX NTTS với sự tham gia của 21 thành viên là những người đang trực tiếp tổ chức sản xuất NTTS trên địa bàn.

Từ khi được thành lập, HTX NTTS Nga Tân đã trở thành cầu nối hỗ trợ các xã viên trong sản xuất. Khuyến khích, vận động người dân NTTS mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi thả. Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp với phòng chuyên môn của huyện Nga Sơn hướng dẫn người nuôi từ việc lựa chọn, ươm giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi. Đồng thời, HTX là đầu mối liên hệ với các công ty cung ứng giống, thức ăn và thuốc thủy sản để phân phối cho các thành viên và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Toàn xã Nga Tân, có diện tích NTTS 250 ha, với 130 hộ dân tham gia nuôi trồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Tân, cho biết: Trước đây, nhiều hộ dân của xã Nga Tân NTTS tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do vậy, việc thành lập HTX NTTS làm cầu nối cho người dân trong phát triển NTTS là cần thiết, được địa phương quan tâm. Để mô hình HTX NTTS tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống của người dân, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thực sự là hạt nhân tập hợp người dân trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong NTTS.

Năm 2016, HTX dịch vụ NTTS Hoằng Phong, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) được thành lập đã giúp các xã viên hỗ trợ nhau trong sản xuất và xây dựng quy chế hoạt động của các hộ trong vùng NTTS. Tổ chức thực hiện cung cấp nguồn giống có chất lượng, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong NTTS...

Hệ thống hạ tầng vùng NTTS từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất. Hàng năm, HTX đã cung cấp cho xã viên nuôi thả 6,5 triệu con tôm sú, 10 vạn con cá đối nục, 6 triệu con cua xanh, 30 triệu con tôm thẻ chân trắng...

Bên cạnh đó, HTX còn cung cấp một số chế phẩm sinh học phục vụ xã viên cải tạo ao đồng chuẩn bị cho các vụ thả nuôi mới. Ông Trương Văn Nương, người NTTS ở xã Hoằng Phong cho biết: Trước đây, người dân tự chủ động nguồn giống, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát nguồn gốc dịch bệnh.

Từ khi có HTX, từ con giống đến thức ăn phục vụ cho NTTS được HTX ký trực tiếp với công ty cung ứng cho xã viên với giá ưu đãi, đồng thời, giúp cho xã viên vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng NTTS, hỗ trợ, giúp đỡ xã viên về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. HTX hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân chuyển đổi từ NTTS quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 9 HTX NTTS, chiếm 1,3% số lượng HTX của toàn tỉnh và tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn. Thực hiện Luật HTX năm 2012, các HTX NTTS đã tập trung đổi mới bộ máy quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Lê Hợi Báo Thanh Hoá