Mô hình nuôi ba ba xen cá của anh Trượng
Giữa trang trại lộng gió ngoài cánh đồng thôn Chùa, xã Bằng An, Quế Võ, trong căn nhà trông ra từng dãy nuôi thả được bố trí quy củ, anh nông dân Nguyễn Văn Trượng vui mừng kể lại cho chúng tôi hành trình từ anh thợ sửa điện đến ông chủ trang trại nuôi ba ba xen cá có doanh thu tiền tỷ.
Nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp, anh vẫn cho rằng mình là người quá liều lĩnh. Sau nhiều năm làm nghề thợ sửa đồ điện với số vốn tích lũy chẳng được là bao, anh Trượng cứ đau đáu suy nghĩ về một hướng làm giàu để nuôi 3 con ăn học. Đúng vào năm 2004, địa phương có chủ trương chuyển đổi ruộng trũng, anh mạnh dạn đấu thầu khu đất có diện tích 3 mẫu ở ngoài cánh đồng thôn Chùa. Vốn tài sản không lớn, vốn kiến thức về nông nghiệp chỉ vỏn vẹn là kinh nghiệm canh tác mấy sào lúa, vậy mà anh vẫn thử nghiệm hết vật nuôi này đến mô hình con đặc sản khác.
Rồi có người quen giới thiệu về loài ba ba da trơn, với cách nuôi đơn giản mà thị trường rất tiềm năng, anh đã tìm hiểu và rồi “bén duyên” với loài vật nuôi này. Anh lặn lội vào tận Hà Tĩnh để mua 200 con ba ba giống Đài Loan, nhờ người bán giống chỉ cho cách nuôi, và tự đọc sách báo, rút kinh nghiệm qua từng ngày. Theo anh, chăm sóc ba ba không tốn quá nhiều công sức, mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần, thức ăn chủ yếu của ba ba là cá tép, với chi phí chưa đến 100.000 đồng/ngày.
Anh cũng nhận ra, thời gian nuôi ba ba để cho thu hoạch thường kéo dài nên việc xen canh thả nuôi cá sẽ giúp người nuôi tận dụng được diện tích mặt nước. Do ba ba là loài có thể chịu được điều kiện yếm khí, sống ở tầng đáy ao, nên khi thả thêm cá không có sự cạnh tranh về môi trường sống. Đồng thời, cá có thể ăn chất thải ba ba, vừa giảm lượng cám sử dụng vừa dọn sạch môi trường ao. Vì vậy, ở 3 ao nuôi, anh đều thả ba ba với mật độ 1 con/2m2, còn mặt nước thả các loại với cá chép, rô, mè với mật độ thả vừa phải.
Điểm chú ý là trong khi nhiều người nuôi con đặc sản trong bể thường nuôi với tỷ lệ 2 con/1m2, thì mật độ ba ba thả trong ao của anh thưa hơn, theo kiểu hoang dã để đảm bảo ba ba mau lớn và năng suất cá cũng cao hơn so với nuôi thông thường. Hiện trang trại có khoảng 3.000 con ba ba thương phẩm, gần chục nghìn con ba ba giống. Mỗi năm anh thu hoạch được 4-5 tạ ba ba thịt, giá bán dao động ở mức 400.000 đồng/kg, cùng với khoảng 12 tấn cá, thu nhập tổng hợp của trang trại lên đến gần 1 tỷ đồng/năm.
Để phòng tránh dịch bệnh cho cá và ba ba, mỗi tuần anh rắc men vi sinh cho phân hủy mùn bã hữu cơ và làm sạch môi trường ao nuôi. Ngoài ra, anh cũng đầu tư 3 máy quạt nước tạo sóng để đảm bảo ô xy cho tầng đáy ao. Theo anh, sức đề kháng của ba ba khá mạnh, trong quá trình nuôi ít sinh bệnh, tuy nhiên, vào mùa đông sang mùa xuân, thời tiết lạnh, ba ba có xu hướng ngủ đông, không ăn, chậm lớn, dễ bị nhiễm khuẩn, nấm, nên người nuôi phải thường xuyên quan tâm và sử dụng các loại thuốc chữa bệnh kịp thời.
Chăm sóc thành công ba ba thương phẩm, anh tiếp tục mày mò, học hỏi nghiên cứu cách cho ba ba sinh sản. Nhờ vậy, anh đã chủ động được nguồn giống cho chính trang trại đồng thời cung ứng cho các hộ có nhu cầu ở khu vực lân cận với số lượng 2.000-5.000 con ba ba giống/ năm.
Với khả năng nhanh nhạy và “dám nghĩ, dám làm”, 7 năm qua, thành công của mô hình trang trại của anh Trượng đã được nhiều nông dân đến tìm hiểu và học tập. Vì vậy, tháng 3-2014, anh cùng 6 thành viên khác thành lập HTX theo kiểu mới. Anh Trượng bày tỏ hy vọng đây sẽ là mối liên kết bền chặt để mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau làm giàu ngay tại quê hương.