Mô hình nuôi cá chẽm ở Đạ Tẻh
Tận dụng những ưu thế tự nhiên của địa phương, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cá chẽm bằng lồng tại 2 xã An Nhơn và Triệu Hải của huyện Đạ Tẻh. Đây là giống cá sống được trong cả 3 môi trường nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Sau gần một năm, mô hình đã bước đầu mang lại lợi nhuận ổn định cho các hộ gia đình tham gia.
Với môi trường sinh thái trong lành, nguồn nước dồi dào, Đạ Tẻh tập trung nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, thích hợp với nghề nuôi cá nước ngọt. Các loài cá quen thuộc như chép, mè, trắm, rô phi… đã và đang được các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp trong tỉnh thường xuyên tổ chức chuyển giao kỹ thuật mới cho người nuôi để tăng năng suất và chất lượng thu hoạch.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cá chẽm là loại cá đã được nhiều tỉnh khai thác và đưa vào nuôi, tuy nhiên sản lượng hàng năm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu. Nhận thấy đây là cơ hội để đa dạng hóa các sản phẩm cá nước ngọt, tháng 5.2013, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai thử nghiệm tại một số hộ ở 2 xã An Nhơn và Triệu Hải.
Theo đó, mỗi hộ dành 500m2 mặt nước để nuôi. Đến đầu tháng 7.2013, Trung tâm giao cho mỗi hộ 1.000 con giống cá chẽm với kích thước từ 8-10cm/con cùng các loại vật tư, thức ăn, thuốc phòng bệnh. Ngoài ra, những hộ tham gia thử nghiệm mô hình được cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện hướng dẫn cải tạo ao nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời chuẩn bị sẵn các nguồn nước đạt an toàn cho ao nuôi. Đặc biệt, đây là giống cá chẽm sản xuất trong môi trường nước lợ, nên trong vòng 10 ngày, các cán bộ kỹ thuật phải thuần hóa cho thích nghi môi trường nước ngọt mới đồng loạt thả xuống ao nuôi.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hàng tuần, hàng tháng sau khi thả nuôi cá chẽm bổ sung lần 2, những cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm thực hành mô hình phải bám sát cùng với các hộ nuôi để đo đếm các chỉ tiêu môi trường, khả năng thích nghi nước ngọt và tiến độ tăng trọng của cá, từ đó áp dụng các chế độ quản lý, chăm sóc phù hợp nhất. Cụ thể, 2 bệnh cá chẽm thường mắc trong quá trình sinh trưởng là nhiễm nấm ở phần thân và nhiễm khuẩn ở phần mang đã được phát hiện và chữa trị kịp thời với các biện pháp hiệu quả như: dẫn nước mới chảy nhẹ vào ao để tạo thêm ô xy cho cá dễ thở, che ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để tắm cá bằng thuốc tím, bổ sung các loại vitamin và chất khoáng trong thức ăn hàng ngày cho cá…
Với quy trình chăm sóc đồng bộ, đến cuối năm 2013, mô hình nuôi cá chẽm thử nghiệm đã cho thu hoạch với kết quả bước đầu khả quan. Tỷ lệ cá trưởng thành đạt 76%; mức tăng trưởng bình quân 1kg/con; tổng sản lượng đạt hơn 1.500kg. Thời điểm thu hoạch sát dịp Tết nên bán được giá, thương lái đến tận ao thu mua với giá 110.000 đồng/kg, đạt tổng doanh thu hơn 167 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, một lứa cá chẽm mang về cho mỗi hộ nuôi 26 triệu đồng lợi nhuận.
Từ những hiệu quả kinh tế rõ rệt, phong trào nuôi cá chẽm đang phát triển mạnh và được nhân rộng ra nhiều hộ dân. Đến thời điểm này, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chẽm cho 34 hộ nông dân quanh vùng. Theo kỹ sư Thành, trong quá trình nuôi cần theo sát diễn biến thời tiết để chủ động bón vôi khử trùng, bảo vệ nguồn nước sạch ngay từ lúc thả nuôi cho đến khi thu hoạch để tránh những rủi ro làm cá chết, lợi nhuận giảm sút… Cũng theo anh Thành, ngoài huyện Đạ Tẻh, những huyện ở phía nam tỉnh là nơi tập trung những điều kiện thuận lợi vượt trội về nguồn nước, vì thế, để nghề nuôi cá chẽm phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu. Các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để mô hình có khả năng nhân rộng và sinh trưởng tốt ở các địa phương khác.