TIN THỦY SẢN

Mô hình nuôi cua ở Thạnh An đem lại hiệu quả cao

Kết quả 5 năm thực hiện mô hình nuôi cua bằng con giống sinh sản nhân tạo tại xã Thạnh An, Huyện Cần Giờ Vân Tâm

Mô hình nuôi cua ở Thạnh An, Huyện Cần Giờ ngày càng mang lại hiệu quả cho nông dân khi vẫn giữ nghề muối truyền thống mà còn tận dụng được nguồn nước mùa mưa khi không sản xuất muối nuôi cua để nâng cao thu nhập.

 Từ năm 2012 đến nay trên địa bàn xã Thạnh An đã có 26 hộ thả nuôi cua bằng con giống nhân tạo trên ruộng muối với diện tích khoảng 14 ha. Với mật độ nuôi 1 con/m2, sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn cá tạp giai đoạn từ 1,5 tháng tuổi. Qua thời gian theo dõi tỷ lệ sống khi mới triển khai năm 2012 là 15 – 20% do nông dân chưa nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, đến nay tỷ lệ sống đã nâng lên 40 -  50%. Trọng lượng cua bình quân > 200gr/con, năng suất bình quân đạt gần 01 tấn/ha. Giá bán trung bình khoảng 160.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ. 

Cua là đối tượng dễ nuôi, dễ chăm sóc, có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, mặc dầu hiệu quả kinh tế mang lại không cao so với nuôi tôm nhưng lại phù hợp với hộ nghèo và cận nghèo vì vốn nuôi cua ít.

Ông Nguyễn Văn Đổi, Ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An cho biết: "11Trước đây gia đình tôi nuôi cua thiên nhiên nên lúc được lúc không vì nguồn giống không ổn định, gia đình tôi may mắn được Khuyến nông đầu tư cho 5.000 con giống cua nhân tạo để nuôi. Kết quả sau 3 tháng nuôi tôi thấy cua phát triển tốt, con giống cỡ đồng đều nên dễ nuôi, dễ sống. Trọng lượng trung bình đạt > 200gr/con, cua rất chắc thịt."

Ông cũng chia sẻ: "Để nuôi cua nhân tạo thành công thì theo tôi nên diệt cá tạp để hạn chế cua bị cá tạp ăn, phải tuân thủ theo quy trình cải tạo ao nuôi thủy sản nói chung; Khi đem giống về nên ngâm bao giống vào trong ao khoảng 20 phút cho cua quen với môi trường nước rồi mới thả; Kiểm tra và xử lý độ mặn sao cho giữa môi trường nguồn giống và môi trường ao nuôi phù hợp. Kích cở cua nuôi phải đồng đều để hạn chế hao hụt, dễ chăm sóc, tránh chúng ăn nhau; cung cấp canxi cho cua cứng vỏ sau khi cua lột; lưu ý thường xuyên kiểm tra lưới rào để tránh cua ra ngoài; cung cấp đầy đủ thức ăn đạm cho cua và thường xuyên thăm đồng vào ban đêm để kịp thời có biện pháp khắc phục khi thời tiết thay đổi thất thường. Hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản tại xã đang phát triển rất mạnh nên chúng tôi mong muốn tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi vay của địa phương để bà con yên tâm phát triển sản xuất."

Đại diện địa phương ông Nguyễn Văn Phẳng – Phó phòng Kinh tế huyện Cần Giờ phát biểu: Mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo với kích cở thả nuôi đồng đều, dễ chăm sóc và quản lý nên năng suất đạt được cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân nghèo và cận nghèo ít vốn. Ngoài ra, đây là mô hình giúp khai thác tối đa tiềm năng đất đai trong mùa mưa khi diêm dân không sản xuất muối được, đồng thời tháo gỡ bớt những khó khăn do giá muối hiện rớt thê thảm chỉ còn  300 - 350 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất là hơn 600 đồng/kg. Đây cũng là một trong những đối tượng nuôi mới phù hợp với định hướng của địa phương về chuyển đổi diện tích sản xuất đất muối trong ranh giới rừng phòng hộ. Hiện tại địa phương đã có một số trại giống sản xuất cua nhân tạo có uy tín như Cơ sở Thành Long, người nuôi nên mua giống tại địa phương vì nguồn giống đã được thuần theo độ mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương. Bà con nuôi trồng thủy sản cần nguồn vốn hỗ trợ lãi vay của địa phương có thể liên hệ trực tiếp chúng tôi - Phòng kinh tế huyện Cần Giờ để tư vấn và hướng dẫn thủ tục. 

Ông Trần Ngọc Lân – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm nhấn mạnh: Với tỷ lệ sống từ 15 - 20% (2012) đến nay đã nâng lên 40 - 50% (2016), lợi nhuận từ 40 - 60 triệu nâng lên 60 - 100 triệu đồng/ha, cho thấy mô hình này ngày càng mang lại hiệu quả cho nông dân khi vẫn giữ nghề muối truyền thống mà còn tận dụng được nguồn nước mùa mưa khi không sản xuất muối nuôi cua để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên bà con cần nắm vững kỹ thuật nuôi, cách cho ăn theo từng độ tuổi cua, cách bảo quản thức ăn. Hiện nay, không chỉ có cua mà còn nhiều đối tượng nuôi phù hợp với vùng đất này như Ốc hương, ghẹ, cá mú….  Đề nghị Trạm Khuyến nông cần tính toán chi phí sản xuất, sản lượng, lợi nhuận từng đối tượng nuôi để bà con có thể áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện từng nông hộ giúp nâng cao thu nhập.

Vân Tâm TTKN TP.HCM