Mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống nhân tạo ở Cần Giờ
Vừa qua Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã triển khai thành công 04 mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống nhân tạo với diện tích 04 ha/08 hộ tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Đây là một trong những mô hình được nông dân địa phương tích cực tham gia, góp phần nâng cao giá trị sản xuất thủy sản, tạo sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, đồng thời còn phục vụ tốt việc phát triển du lịch sinh thái hiện nay tại xã đảo Thạnh An.
Mô hình được triển khai từ tháng 8/2018 đến 01/2019. Các hộ tham gia đều là những hộ có kinh nghiệm nuôi thủy sản trong vùng nước lợ và có ao nuôi là các khuôn lắng của ruộng muối, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (độ mặn dao động 20 - 28‰, pH từ 7 - 8,2, độ kiềm dao động 50 - 80 ppm, độ sâu đảm bảo với mực nước từ 0,5 - 0,7 m, các ao nuôi đều có lưới rào chắc chắn,…). Do đó, khi tham gia mô hình, cán bộ Khuyến nông dễ dàng hỗ trợ nông dân thực hiện đạt hiệu quả, với những kỹ thuật cơ bản: cải tạo ao nuôi, lấy nước vào ao và sau 2 - 3 ngày tiến hành diệt tạp (vớt hết xác cá chết ra khỏi ao nuôi), sau đó tiến hành thả giống (nguồn giống là cua sản xuất nhân tạo được di chuyển từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau). Nguồn thức ăn là thức ăn công nghiệp và tận dụng thức ăn tự nhiên có sẵn ở địa phương là cá tạp để bổ sung thêm khẩu phần ăn, tiết kiệm chi phí.
Sau hơn 04 tháng triển khai mô hình, kết quả tỷ lệ sống của cua đạt trên 40 % (vì chưa chủ động được con giống tại địa phương, nên trong quá trình vận chuyển xa, môi trường sống mới, đã làm cua bị hao hụt và tỷ lệ sống không được cao), nhưng xã đảo Thạnh An lại có điều kiện địa lý phù hợp với mô hình, nên hiệu quả khá cao (năng suất đạt từ 600 – 1.000 kg/ha, sản lượng đạt 300 – 500 kg), trong đó hộ có hiệu quả cao nhất là chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (tổ 38, ấp Thiềng Liềng) lãi được gần 50 triệu đồng/diện tích 0,5ha.
Anh Nguyễn Hoàng Anh (tổ 39, Ấp Thiềng Liềng) đại diện hộ tham gia mô hình cho biết: “Tôi nhận 5.000 con giống từ Khuyến nông hỗ trợ, sau 04 tháng nuôi tôi thu được gần 300 kg cua, với giá trung bình 250.000 – 300.000 đồng/kg bán tại ao, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Tôi thấy mô hình rất phù hợp với điều kiện địa phương, giúp những diêm dân như chúng tôi có thể tận dụng ruộng muối vào mùa mưa và cuối mùa mưa để nuôi cua, tăng thu nhập gia đình. Mong rằng, thời gian tới Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để nông dân địa phương được thực hiện, nhân rộng và phát triển kinh tế”.
Ông Lê Minh Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã phát biểu: “Mô hình do Khuyến nông hỗ trợ từng bước chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân xã đảo học tập, có kinh nghiệm trong việc nuôi trồng, phát triển các đối tượng thủy sản chủ lực, hiệu quả, làm nền tảng để nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương ngày càng phát triển theo chủ trương của Thành phố về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Cần Giờ nói chung và xã Thạnh An nói riêng. Đồng thời, mô hình còn góp phần phát triển du lịch sinh thái tại Ấp Thiềng Liềng ngày càng đi vào chiều sâu, giúp cuộc sống người dân nơi đây có nhiều điều kiện thay đổi mới hơn, tiến bộ hơn”.
Ths.Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM nhận định: “Mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống nhân tạo tại xã Thạnh An, hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Cần Giờ như: khí hậu, nguồn nước, thức ăn tự nhiên (cá tạp để bổ sung vào khẩu phần ăn cho cua, giúp giảm chi phí đầu vào khi nuôi). Đây là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình, giúp nông dân phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản ở địa phương bền vững. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, bà con cần nắm vững kỹ thuật, cách cho ăn theo từng độ tuổi cua, cách bảo quản thức ăn,… để hiệu quả mô hình ngày được nâng cao, giúp nông hộ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã đảo Thạnh An”.