Mô hình nuôi đơn tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii de Man) với thức ăn chi phí thấp ở Bangladesh
Thí nghiệm được tiến hành trong 3 tháng ở 12 ao thí nghiệm, diện tích mỗi ao 30 m2, để phát triển mô hình nuôi đơn tôm càng xanh trong ao sử dụng thức ăn chi phí thấp. Ba công thức thức ăn của thí nghiệm (30% protein) được xây dựng từ việc sử dụng bột cá, bột thịt xương, dầu thực vật, dầu vừng và cám gạo trong các kết hợp khác nhau thay thế bột cá bằng bột thịt, bột xương, dầu vừng và được ký hiệu lần lượt là nghiệm thức T1, T2 và T3.
Một loại thức ăn công nghiệp (Starter III) được ký hiệu nghiệm thức T4 (thức ăn đối chứng). Mỗi nghiệm thức lặp lại ba lần. Tôm càng xanh giống (2,90 ± 0,21 g) được thả nuôi với mật độ 40.000 con/ha. Tôm được cho ăn mỗi ngày ba lần với tỷ lệ lần lượt là 10 % và 5 % khối lượng cơ thể trong giai đoạn đầu và trong 2 tháng tiếp theo. Các ao đều sử dụng máy sục khí để cung cấp oxy vào ban đêm. Sự biến động của các yếu tố chất lượng nước được ghi nhận trong các ao khác nhau là: nhiệt độ 28,9 - 32,50C, ôxy hòa tan 5,1 - 8,1 mg/L và pH 6,4 - 7,7.
Kết quả cho thấy tăng trưởng của tôm ở nghiệm thức T1 cao hơn có ý nghĩa (P < 0,05) so với nghiệm thức T2 và T3, nhưng khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức T4 (thức ăn đối chứng). Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) dao động từ 2,21 – 2,96, trong đó FCR ở nghiệm thức T1 và T4 thấp hơn có ý nghĩa (P < 0,05). Tỉ lệ sống (%) dao động từ 68 – 78 %, ở nghiệm thức T1 và T4 cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức khác. Năng suất tôm dao động từ 921 – 1.428 kg/ha và nghiệm thức T1 cho năng suất cao hơn có ý nghĩa (P < 0,05).
Phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy nghiệm thức T1 cho lợi nhuận cao nhất 159.178 Taka/ha. Kết quả nghiên cứu cho thấy với công thức thức thức ăn có chứa 20 % bột cá, 10 % bột thịt xương, 15 % dầu thực vật, 15 % dầu vừng, 35 % cám gạo, 4 % mật đường và 1 % premix khoáng và vitamin có thể được đề nghị để ứng dụng nuôi tôm càng xanh trong ao.
Nguồn: Hossain, Md Arshad; Paul, Lipi, 2007. Low-cost diet for monoculture of giant freshwater prawn (Macrobrachium rosenbergii de Man) in Bangladesh. Aquaculture research. DOI: http://dx.doi.org/10.1111/j.1365-2109.2007.01652.x. Volume 38, Number 3, March 2007, pp. 232-238.