Mô hình nuôi ếch thương phẩm an toàn sinh học
Xã Tân Hòa Thành, Huyện Tân Phước, Tỉnh Tiền Giang là xã điểm xây dựng nông thôn mới, vì vậy, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất, đã góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo.
Trong năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, Trạm Khuyến nông Tân Phước đã tổ chức thực hiện mô hình trình diễn Nuôi thương phẩm ếch Thái Lan an toàn sinh học. Nông hộ được chọn thực hiện mô hình là ông Đỗ Văn Oanh ở ấp 4 của xã Tân Hòa Thành. Với quy mô 4.000 con giống/100m2 vèo và kinh phí hỗ trợ là 3.700.000 đồng. Trước khi thực hiện mô hình, ông Oanh được tham dự tập huấn về kỹ thuật nuôi và tham quan mô hình nuôi ở địa phương khác. Ngoài ra trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên và người nuôi phối hợp chặt chẽ, thống nhất về các giải pháp kỹ thuật và biện pháp thực hiện.
Để dễ phân cỡ ếch, hạn chế tình trạng cắn nhau, ếch được thả trên 3 vèo riêng biệt, gồm 2 vèo có kích thước dài 6m x rộng 5m x cao 2m và 1 vèo có kích thước dài 8m x rộng 5m x cao 2m. Một số thông số và biện pháp kỹ thuật của mô hình:
- Mật độ nuôi: 40 con/m2
- Giống sạch bệnh, cỡ 5 - 8g/con,.
- Sử dụng thức viên có độ đạm trên 25%.
- Áp dụng quy trình nuôi sạch, sử dụng chế phẩm men vi sinh trong quản lý môi trường nuôi và sát trùng định kỳ bằng Iodine.
- Định kỳ kiểm tra về tăng trưởng, tỷ lệ sống các yếu tố pH, t°... 1 lần/tuần.
Sau 4 tháng nuôi, ếch thương phẩm đạt được tỷ lệ sống 85%, cỡ thu hoạch 5 con/kg. Hệ số thức ăn: 1,1. Năng suất: 6,8kg/m2.
Mô hình có tổng chi phí 14.700.000 đồng, sản lượng thu 680kg, giá bán 27.000 đồng/kg, tổng thu 18.360.000 đồng, lợi nhuận là 3.660.000 đồng.
Dù giá bán ếch thương phẩm không cao nhưng mô hình vẫn có lợi nhuận, giúp cho ông Oanh tự tin thả ếch giống vụ tiếp theo. Ngoài ra ông còn hướng dẫn thêm cho 2 hộ dân lân cận thực hiện theo mô hình nuôi của ông.
Đây là mô hình định hướng cho người nuôi về kỹ thuật nuôi sạch, nuôi an toàn, không sử dụng hóa chất nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an tòan chất lượng. Mô hình cũng đã góp phần đa dạng giống loài thủy sản nuôi ở địa phương. Qua thành công của mô hình, tạo điều kiện để Trạm Khuyến nông Tân Phước kết hợp với các đoàn thể… để tổ chức hội thảo, tổng kết đánh giá; qua đó người dân ở địa phương “mắt thấy tai nghe” về mạnh dạn áp dụng sản xuất gia đình mình, là điểm tham quan tốt cho nông dân các xã lân cận trong địa bàn huyện, tỉnh.