TIN THỦY SẢN

Mô hình nuôi kết hợp lợn- cá cho hiệu quả kinh tế cao

Cán bộ Thú y kiểm tra chất lượng nước trong hồ nuôi cá kết hợp chăn nuôi lợn Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA

Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp với thả cá không phải là mô hình sản xuất mới nhưng những năm gần đây mới được người dân chú trọng đầu tư mang lại hiệu quả cao. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất đất đai không lớn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhiều năm trở lại đây, việc hình thành các trang trại, gia trại sản xuất thâm canh được xem là nhân tố thúc đẩy phát triển sản xuất, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân. Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp với thả cá được nhiều nông dân lựa chọn. Thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng là địa phương có nhiều ao hồ. Trước đây, người dân nuôi cá chuyên canh với nhiều loại cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế khá. Những năm gần đây, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trên mỗi diện tích, ô chuồng, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nên nhiều hộ dân phát triển thêm chăn nuôi trên hồ cá vừa tiết kiệm được đất sản xuất, tiết kiệm chi phí, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.

Trên những cái ao cá gần sát nhau, chị Nguyễn Thị Sen xây 2 dãy chuồng lợn dài. Đây là khu đất ruộng kém hiệu quả ở vùng xa khu dân cư rộng gần 1,5 ha được gia đình chị Sen đấu của xã để chuyển đổi sang đào ao nuôi cá kết hợp với nuôi lợn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Ngay từ vụ thả cá đầu tiên, chị Sen thu được lãi tương đối khá. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư xây dựng mô hình nuôi lợn F1, chị đăng ký tham gia và nhận được sự hỗ trợ của trung tâm từ vốn đến kỹ thuật sản xuất. Chị Sen cũng là người ham học hỏi nên ngoài kiến thức tìm hiểu qua tài liệu sách báo, chị không bỏ sót buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nào của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện tổ chức tại xã. Chị xây chuồng nuôi lợn trên ao cá, lúc đầu ở quy mô nhỏ, sau đó phát triển dần và đến nay đã phát triển đàn lợn gần 90 con lợn thịt/lứa và thường xuyên có 6- 8 con lợn nái để tạo nguồn giống. Mỗi năm chị xuất bán 2 lứa cá và 4 lứa lợn thịt, trừ các khoản chi phí thu về gần 150 triệu đồng lãi. Nhờ thực hiện mô hình này thành công, gia đình chị Sen đã có cuộc sống khấm khá và vươn lên làm giàu. Và từ mô hình nuôi lợn- cá thành công của gia đình chị Sen, đến nay nhiều hộ gia đình trong HTX Đại An Khê cũng như trên địa bàn xã Hải Thượng đã nhân rộng mô hình lợn- cá và mô hình nuôi lợn nái cung cấp lợn giống cho thị trường.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình lợn- cá, nông dân phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật vào trong sản xuất, xử lý kịp thời và có hiệu quả các tình huống bất lợi có thể xảy ra. Nguồn vốn phục vụ sản xuất cũng là yếu tố quyết định thành công của mô hình lợn- cá. Từ thực tế các mô hình sản xuất kết hợp lợn- cá thành công cho thấy, đối với nuôi lợn chuồng trại cần xây dựng kiên cố và được chia thành nhiều ô chuồng. Khi lợn mới cai sữa bố trí nuôi mật độ 2- 3 con/m2, sau đó tiến hành tách đàn dần để nuôi lợn thịt, mật độ nuôi lợn thịt khoảng 1,3- 1,5m2 chuồng/con. Chuồng xây cao vừa phải nhưng thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức về buổi chiều, tránh được mưa tạt, gió lùa, ấm áp về mùa đông, mùa hè mát mẻ. Chăm sóc lợn theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh sạch sẽ, thực hiện tiêm phòng đầy đủ để lợn lớn nhanh, đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm. Thức ăn của lợn có thể tự phối trộn hoặc kết hợp thức ăn công nghiệp với phối trộn các chất dinh dưỡng. Cần tiêu độc, khử trùng thường xuyên để phòng tránh bệnh cho cả lợn lẫn cá. Trong suốt quá trình nuôi cần duy trì mực nước hợp lý trong hồ cá, theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Về nuôi cá, trước mỗi vụ đều cải tạo hồ nuôi, diệt cá tạp, xử lý, gây màu nước thật kỹ trước khi thả cá; ao nuôi bố trí gần kênh rạch để thuận tiện cho việc thay nước khi cần thiết. Hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất không cần thiết trong quá trình nuôi lợn- cá để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá cao khi xuất bán.

Thực tế cho thấy mô hình lợn- cá tương đối dễ thực hiện phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn mang lại hiệu quả cao, tùy vào khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư cho phù hợp góp phần cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn. Nuôi kết hợp lợn- cá không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ vệ sinh môi trường trong phát triển chăn nuôi.

Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA BÁO QUẢNG TRỊ ĐIỆN TỬ, 17/10/2016