Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn đạt tỷ lệ sống 90%
Nuôi tôm 3 giai đoạn là mô hình giúp nông dân dễ dàng quản lý môi trường nước và thức ăn, theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của tôm. Do đó, thời gian gần đây, mô hình này đã được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đưa vào ứng dụng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có mô hình nuôi tôm của gia đình anh Lê Trường Thịnh, thôn 2, xã Hạ Trạch (Bố Trạch).
Nghề nuôi tôm thời gian qua gặp nhiều khó khăn do đối mặt với diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, chi phí vật tư đầu vào biến động, sản phẩm làm ra không ổn định về giá... Việc cải tiến quy trình kỹ thuật, đưa các mô hình mới vào nuôi tôm nhằm tăng năng suất, nâng cao thu nhập của người dân là vấn đề cần thiết.
Xuất thân là kỹ sư xây dựng, anh Lê Trường Thịnh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc thi công các công trình, đặc biệt là những mô hình chăn nuôi, thủy sản. Và cũng từ những công trình thi công của mình, anh Thịnh đã tìm hiểu, có thêm kiến thức về nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn là một trong những giải pháp áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi tôm, năm 2019, anh quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai mô hình.
Anh Thịnh cho biết, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm có 1 giai đoạn ương và 2 giai đoạn nuôi. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế tới 3 ao, gồm: Ao ươm, ao nuôi giai đoạn 1 và ao nuôi giai đoạn 2. Bên cạnh đó, mô hình còn có hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Các ao ương và nuôi được thiết kế hình tròn khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh.
Riêng với ao ương, có hệ thống mái che bằng lưới nhằm hạn chế nhiệt độ làm nóng nước, phát triển các vi sinh vật có lợi và hạn chế các vi sinh vật có hại, tạo thuận lợi cho tôm phát triển. Nguồn nước để nuôi tôm bơm từ ngoài sông vào đều được xử lý, diệt khuẩn các mầm bệnh kỹ lưỡng trước khi thả tôm.
“Nuôi tôm 3 giai đoạn trong ao lót bạt giúp tôm đạt tỷ lệ sống cao khoảng 90%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt tỷ lệ sống bình quân 65-70%. Người nuôi quay vòng vụ nhanh nên có thể nuôi 4-5 vụ/năm; môi trường trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm năng suất cao, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh hay hóa chất cấm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, anh Thịnh chia sẻ.
“Nhờ lợi thế là kỹ sư xây dựng, có kinh nghiệm trong việc thi công công trình nuôi trồng thủy sản, tôi đã tự mua nguyên vật liệu rồi cùng anh em công nhân lắp đặt, xây dựng hệ thống ao nuôi. Tôi đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng 8 ao tròn và 4 ao vuông với diện tích gần 3ha, tuy nhiên chi phí sẽ lớn hơn nếu thuê người thi công”, anh Thịnh chia sẻ.
Được biết, hiện anh Thịnh nuôi giống tôm thẻ chân trắng là chủ yếu. Chính thức nuôi từ tháng 12/2021 đến nay, anh Thịnh đã thu hoạch được hai lứa tôm với diện tích 1.700m2, sản lượng đạt khoảng 6,5 tấn, mang lại tổng thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 400 triệu đồng. Hiện, anh Thịnh đang tiếp tục nuôi tôm lứa thứ 3 được hơn 1 tháng tuổi, tôm cơ bản phát triển tốt.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ gia đình anh Thịnh 25 vạn con tôm giống, 50% thức ăn, thuốc, hóa chất nhằm động viên, thúc đẩy sự phát triển của mô hình.
Ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết: “Được sự quan tâm của các ngành, địa phương, từ khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ở xã Hạ Trạch đã có nhiều mô hình từ nuôi thử nghiệm đến mô hình trình diễn giúp bà con tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của gia đình anh Thịnh là điển hình về ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mang lại năng suất, chất lượng cao, tạo ra hiệu ứng tích cực, khích lệ bà con nông dân trong xã học hỏi, đầu tư triển khai sản xuất”.