Mô hình nuôi tôm sú theo phương pháp hữu cơ
Ông Nguyễn Văn Phúc, xã Hải Triều (Hải Hậu) được nhiều người biết đến là một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Hải Triều. Hiện nay, ông Phúc đang là chủ sở hữu của gần 3ha diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, trong đó, diện tích nuôi tôm sú là chủ yếu… Với năng suất bình quân 15-17 tấn/ha, theo giá thị trường hiện nay, ông đã có thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.
Ông Phúc chia sẻ: Thời trai trẻ, ông đã theo cha ra khơi đi lộng, đi bè đánh bắt cá, tôm... nhưng cuộc sống phụ thuộc vào con nước, lại bấp bênh do thời tiết nên có nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều hôm sóng to, gió lớn, chiếc thuyền nhỏ với công suất chỉ 90CV vật lộn giữa biển khơi trùng trùng nguy hiểm cùng nhiều nỗi cực nhọc đã thôi thúc ông phải lên bờ, tìm hướng phát triển kinh tế mới.
Năm 2000, ông bàn với gia đình đầu tư nuôi tôm thẻ, tôm sú. Năm 2006, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông mở rộng quy mô chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Cứ 1ha diện tích nuôi trồng ông đầu tư hệ thống máy quạt khí hiện đại. Các ao nuôi khi xây dựng cũng được lót bạt ở đáy, có hệ thống ống hơi và thoát khí ngầm. "Để có được những vụ tôm có chất lượng cần có kỹ thuật cao, con giống tốt, đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng", ông Phúc chia sẻ. Bởi theo ông, nuôi thủy sản nói chung, đặc biệt là nuôi tôm là một ngành siêu lợi nhuận nhưng rủi ro gặp phải cũng khủng khiếp. Nếu nuôi thủy sản trong hai năm mà không gặp bất kỳ rủi ro hay sự cố gì thì lợi nhuận từ nó mang lại rất lớn. Để tránh rủi ro chủ yếu do dịch bệnh mang lại, được sự tư vấn của cán bộ Hội Nông dân tỉnh, ông Phúc sử dụng chế phẩm BiOWiSH. Khi sử dụng chế phẩm này có tác dụng gia tăng tối đa khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống của vật nuôi. Ngoài ra, chế phẩm còn giúp giảm được chi phí thức ăn (khoảng 10%); làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhiễm bệnh trên các loài thủy sản mà nhất là các bệnh về đường ruột, nấm... Qua một thời gian sử dụng chế phẩm BiOWiSH, từ những kết quả thu được trên thực tế, ông Phúc cũng đã phổ biến kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Đến vụ thu hoạch, tôm của gia đình ông được bán cho các đại lý. Ngoài ra còn cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn và các tỉnh lân cận, đồng thời bán cho các Cty đông lạnh để xuất khẩu. Con giống chủ yếu được ông mua của Tập đoàn Việt - Úc và một số Cty sản xuất giống trong nước ở Nha Trang (Khánh Hòa). Quá trình nuôi, mỗi năm 2 vụ, khi thu hoạch xong, ông Phúc đều phải dọn ao, làm vệ sinh trước khi xuống giống vụ mới. Bởi theo ông Phúc, không như nuôi cá có thể lựa con nào to thì bắt. Đối với tôm mỗi lần thu hoạch là "vét bằng sạch thì thôi" vì khi đã lội xuống ao sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, nếu tôm còn sót lại cũng khó sinh trưởng và phát triển bình thường được. Ông cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân, Phòng NN và PTNT huyện tổ chức. Nhờ đó, ông có thêm kiến thức để nâng cao trình độ thâm canh nuôi tôm.
Hiện nay, các ao nuôi tôm của gia đình ông trung bình đầu tư 20-25 triệu đồng/ha/năm, bao gồm chi phí thuê nhân công làm sạch ao, trải bạt xung quanh, xử lý nước… Mỗi vụ tôm 6-7 tháng, gia đình ông thu hoạch 1 lần. Theo kinh nghiệm của ông, nuôi tôm sú theo phương pháp hữu cơ có những điểm khác so với nuôi tôm sú theo phương pháp thông thường. Nguồn nước và môi trường là quan trọng nhất. Nguồn nước trước khi đổ vào ao tôm phải là nước biển sạch, có thả một số loại cá để giữ sinh thái ổn định. Sau ít ngày nước lắng đọng tạp chất xuống thì mới bơm nước biển mặn đó vào ao tôm, rồi thả tôm giống xuống. Ao tôm phải trải bạt từ phần tiếp giáp mặt nước đến tận đáy; mặt đáy ao là đất hữu cơ bình thường, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Hiện nay, cách nuôi tôm này chi phí đầu tư thấp, hạn chế được dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh nên phát triển khá nhiều tại huyện Hải Hậu và các địa phương. Bên cạnh tạo thu nhập ổn định cho gia đình, hằng năm, mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Phúc còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, ngoài Hải Triều, các xã trong huyện đang triển khai quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản, thuận lợi cho việc mở rộng mô hình nuôi tôm sú. Đây sẽ là "lối ra" cho người dân nuôi tôm sú khi chi phí đầu tư giảm mà lợi nhuận tăng, công sức lao động giảm so với trước. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nuôi thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú của gia đình ông Phúc luôn là địa chỉ để các hộ nuôi thủy sản đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm.