TIN THỦY SẢN

Mô hình sản xuất giống cá dĩa chủ động

Mô hình sản xuất giống cá dĩa chủ động không bị phụ thuộc vào tập tính sinh sản và nguồn thức ăn tự nhiên. Ảnh: FishInTheNews, Twitter. Anh Thư

Mô hình sản xuất giống cá dĩa chủ động là một gợi ý cho thị trường cá cảnh Việt Nam.

Cá dĩa từ lâu vẫn được xem là một loài cá cảnh nước ngọt có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Mô hình sản xuất giống cá dĩa thương phẩm áp dụng phương pháp sinh học sẽ giúp người nuôi chủ động được số lượng lẫn chất lượng của cá giống mà không bị phụ thuộc vào tập tính sinh sản của cá lẫn nguồn thức ăn trong tự nhiên.

Tọa lạc tại khu vực Chợ Lớn (quận 5, TP.HCM), từ lâu con đường nhỏ Lưu Xuân Tín vẫn được mệnh danh là “chợ cá cảnh lâu đời nhất thành phố” với hàng chục cửa hàng nằm san sát nhau, chuyên bán cá cảnh và các loại thủy sinh, phụ kiện nuôi cá. Bước đến đây, người dân dễ dàng tìm được từ các loại cá cảnh với giá phải chăng như cá bette, cá bảy màu, cá ba đuôi,... cho đến những loại cá đắt tiền như cá dĩa, cá la hán, cá rồng.

Song bức tranh ngành công nghiệp cá cảnh của thành phố không chỉ nằm vỏn vẹn trên con đường này. Từ những chợ cá cảnh đầu tiên, giờ đây các cơ sở sản xuất cá cảnh lớn đã phát triển tập trung sang các khu vực ngoại thành như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi. Thành phố hiện có khoảng 240 trại sản xuất, ương nuôi cá cảnh với tổng diện tích nuôi khoảng 89 ha. Từ năm 2010 đến 2019, tổng sản lượng cá cảnh của TP.HCM tăng trung bình 15%/năm. Hiện nay, xuất khẩu cá cảnh chiếm hơn 3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, TP.HCM chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.


Với những con số trên, TP.HCM được coi là trung tâm của các hoạt động sản xuất và kinh doanh cá cảnh của cả nước. Trong số các loài cá, cá dĩa với màu sắc hấp dẫn, đủ loại vân và đốm trên cơ thể, từ lâu vẫn được xem là một loài cá cảnh nước ngọt có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, có giá trị xuất khẩu lớn và là mặt hàng sản xuất chủ lực của Việt Nam. Song theo KS. Trương Thị Thúy Hằng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, TP.HCM), trong quá trình sản xuất, rất nhiều cơ sở sản xuất cá dĩa gặp khó khăn trong sinh sản nhân tạo cá dĩa.

Không giống như các loài cá khác, cá dĩa là loài có tập tính sinh sản khá đặc biệt. Sau quá trình sinh sản, cá bố mẹ sẽ luôn bên cạnh ổ trứng để chăm sóc, chúng sẽ dùng miệng ngậm con đến một vị trí sạch khác trên giá thể. Khi cá con rơi khỏi giá thể, cá bố mẹ sẽ dùng miệng ngậm con và phun trở lại giá thể.

Sau 3-4 ngày kể từ khi cá con nở, chúng tiêu hết noãn hoàng và có thể bắt mồi một cách thụ động. Khi đó, cá con bám trên mình cá bố mẹ, nhận dinh dưỡng nhờ chất nhầy tiết ra từ mình cá bố mẹ. Thời kỳ nuôi con kéo dài 14 - 18 ngày, trong thời gian này, cá bố mẹ có màu sắc sậm, chúng không ăn hoặc ăn rất ít.

Vì cá dĩa dành thời gian nuôi và tiết chất dinh dưỡng cho con nên sau đó chúng cần thời gian hồi phục trước khi tiếp tục sinh thế hệ con tiếp theo (còn gọi là tái thành thục). Theo KS. Trương Thị Thúy Hằng, tập tính chăm sóc con truyền thống của cá dĩa làm chậm quá trình tái thành thục dẫn đến số lượng con giống nhỏ lẻ không đủ cung cấp cho thị trường. Thời gian ương nuôi kéo dài, lâu thu hồi vốn, các trại dần chuyển đổi sang các đối tượng có vòng đời ương nuôi ngắn, nhanh đạt lợi nhuận.

Thêm vào đó, cá dĩa bố mẹ thành thục lần đầu rất nhạy cảm, chúng thường không nuôi con sau khi cá con đã tiêu hết noãn hoàng. Đặc biệt khi điều kiện môi trường không thuận lợi, chúng có thể ăn trứng mới sinh.

Là cơ sở đã nuôi cá dĩa từ năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao từ lâu vẫn “đau đầu” với vấn đề này. Các nhà khoa học tại đây đã tiến hành nhiều thử nghiệm như kỹ thuật ấp vú (cho cặp cá khác nuôi đàn con), sử dụng chất kích thích sinh sản v.v. nhưng đều không hiệu quả.

Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp ấp trứng nhân tạo sử dụng nguồn thức ăn bên ngoài sau khi cá tiêu hết noãn hoàng để ương cá nên không phải phụ thuộc vào nguồn nhớt, giúp rút gọn thời gian tái thành thục của cá bố mẹ. Nguồn thức ăn bên ngoài đó là gì? Đâu là thời điểm thích hợp để tách cá dĩa con ra khỏi cơ thể cá bố mẹ? “Những câu hỏi này có ý nghĩa rất lớn, quyết định tỉ lệ sống của đàn cá con trong quá trình sản xuất giống hiện nay”, chị chia sẻ tại buổi hội thảo giới thiệu “Quy trình sản xuất giống cá dĩa bằng phương pháp sinh học” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao tổ chức vào giữa tháng tám vừa qua.

Đảm bảo nguồn thức ăn

Các nhà khoa học tại Trung tâm xác định rằng nguồn thức ăn bên ngoài cho cá mới sinh vẫn phải là một loại nhớt, bởi lúc này kích cỡ miệng cá rất nhỏ, chưa thể sử dụng thức ăn di động như moina, atermia. Vì vậy họ đã tiến hành pha trộn hỗn hợp nhớt ốc sên kết hợp với lòng đỏ trứng gà (tỷ lệ 3:1) và chất kết dính.

Ban đầu, nhóm bôi hỗn hợp vào viên sủi khí nhỏ, cá bâu lại ăn nhưng tần suất không cao. Vì cá bột có tập tính bám theo bố mẹ để ăn nhớt nên “chúng tôi nảy ra ý tưởng mô phỏng hình dạng cá giả bằng gốm sứ”, chị Hằng kể. Quả thật việc bôi lượng thức ăn kết dính vào cá giả giúp thu hút cá con đến ăn nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi cá được 15 ngày tuổi, nhóm nghiên cứu cần cho cá bột làm quen với việc bắt mồi. Hiện nay đa phần các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng thức ăn tự nhiên, chủ yếu là trùn chỉ, bo bo,… được khai thác ở dọc các kênh rạch của TP.HCM, làm nguồn thức ăn chính cho cá dĩa. Tuy nhiên, trùn chỉ chính là một trong những nguồn mang mầm bệnh cho cá cũng như cho môi trường nuôi cá (do trùn sống ở môi trường nước bẩn, kênh rạch, nước thải sinh hoạt). Bên cạnh đó, lượng trùn chỉ vớt được trong ngày có giới hạn, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thức ăn của cá. Giá mua trùn chỉ cũng mang tính độc quyền nên thường tăng cao vào những ngày khan hiếm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Thời gian gần đây, để bảo vệ môi trường, thành phố đã tiến hành nạo vét bùn, làm sạch cống rãnh, dẫn đến hạn chế môi trường sống của trùn chỉ, do vậy số lượng trùn chỉ ngày càng giảm.

Không chỉ cá con mà cá bố mẹ cũng cần trùn chỉ để bổ sung chất dinh dưỡng chuẩn bị cho quá trình tái thuần thục. Để giải quyết điều này, nhóm nghiên cứu đã nuôi sinh khối Artemia, bổ sung tim bò xay nhuyễn trộn với một số thành phần quan trọng gồm men vi sinh probiotic, thyroxine, astaxanthin, làm nguồn thức ăn tươi sống an toàn với hàm lượng đạm và acid béo không no cao. Nguồn thức ăn mới có chứa sắc tố carotenoid phù hợp để cá dĩa lên màu sắc tự nhiên. Vì Artemia có nhiều kích cỡ khác nhau nên nó cũng phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá.

Thời điểm phù hợp

Khi đã lựa chọn được nguồn thức ăn, nhóm nghiên cứu tiếp tục phải xác định được thời điểm phù hợp để tách cá con khỏi cá bố mẹ. “Sau khi cá con tiêu hết noãn hoàng, rời giá thể, bơi tự do, lúc này tùy thuộc vào tình trạng của cặp cá dĩa bố mẹ mà chúng ta chọn một trong hai phương pháp ấp trứng mang lại hiệu quả nhất: để cá dĩa bố mẹ ấp trứng tự nhiên hoặc ấp trứng nhân tạo”, KS. Hằng phân tích.

Trong trường hợp cặp cá bố mẹ chăm sóc và bảo vệ ổ trứng tốt, người nuôi nên để bố mẹ tiếp tục chăm sóc ổ trứng cho đến khi trứng nở và bám trên cơ thể cá bố mẹ trong thời gian 3 đến 5 ngày. Sau 5 ngày, người nuôi mới tiến hành tách bầy cá dĩa bột ra nuôi riêng.

Tuy nhiên, với trường hợp những cặp cá bố mẹ có tập tính ăn trứng và không chịu nuôi cá dĩa con mới nở, người nuôi nên lập tức chuyển giá thể mang trứng sang hồ ấp sau khi cá đẻ trứng khoảng 65 giờ. Sau khi cá tiêu hết noãn hoàng, bố trí thức ăn vào bể nuôi. Thức ăn sử dụng trong cả hai phương pháp này là hỗn hợp nhớt thay thế cho nhớt cá bố mẹ. Sau đó, khi miệng cá đã mở to hơn, người nuôi cho cá ăn thức ăn chế biến bổ sung ấu trùng Artemia.

Vì sao phải chia làm hai thời điểm tách đàn mà không ấp trứng nhân tạo hoàn toàn ngay từ đầu? Theo KS. Hằng, việc cho cá mẹ ấp trứng tự nhiên 5 ngày đầu trước khi tách đàn vẫn tốt hơn - sau 15 ngày tuổi, tỷ lệ sống của cá dĩa con đạt trung bình 85% cá đồng đều kích cỡ. Trong khi đó, với phương pháp ấp trứng nhân tạo, sau 15 ngày tuổi, tỷ lệ sống của cá dao động từ 75 – 78%, có con bị phân đàn với nhiều kích cỡ khác nhau. Vì lẽ này, chỉ nên dùng phương pháp ấp trứng nhân tạo khi cặp cá bố mẹ có xu hướng ăn trứng hoặc không chịu nuôi cá con mới nở.

Dù là phương pháp ấp trứng nào, người nuôi vẫn sẽ rút ngắn được thời gian tái thành thục của cá dĩa bố mẹ, đảm bảo cá con có màu sắc đặc trưng, bơi lội linh hoạt, bắt mồi chủ động, từ đó cải thiện hiệu quả sản xuất cá giống.

Theo KS. Trương Thị Thúy Hằng trong mô hình này, việc bố trí cá giả dính nhớt làm chất dinh dưỡng cho cá con không làm ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của đàn cá dĩa con sau ba tháng ương nuôi, thậm chí có thể cải thiện tỉ lệ sống của cá dĩa giống giai đoạn bắt mồi thụ động. Thêm vào đó, cá dĩa hoàn toàn thích nghi khi sử dụng thức ăn thay thế trùn chỉ, được chế biến với hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo được điều kiện sức khỏe cho cá bố mẹ và cá con.

Mô hình này đã được Trung tâm chuyển giao thử nghiệm tại cơ sở nuôi cá của ông Nguyễn Văn Phương (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2021. Sản lượng cá trong thời gian triển khai là 20.004 con, trong đó 3.852 con có kích thước 7 – 8cm và 16.152 con kích thước 5 – 6cm. “Chất lượng cá dĩa có màu sắc đẹp, đạt yêu cầu của thị trường cá cảnh, lợi nhuận kinh tế đạt được khoảng 757 triệu đồng/năm”, chị Hằng cho biết.

Với những thành công bước đầu như vậy, nhóm nghiên cứu cho hay mô hình đã sẵn sàng để chuyển giao. Đặc biệt, trong bối cảnh cá dĩa đang là loại cá có tỷ lệ xuất khẩu cao nhất trong số các loại cá cảnh nước ngọt, việc sản xuất nguồn cá giống chất lượng một cách chủ động có thể sẽ là mảnh ghép để bức tranh thị trường cá cảnh TP.HCM trở nên sôi động hơn.

Anh Thư Khoa học & Phát triển