TIN THỦY SẢN

Mô hình tôm - lúa thông minh, bền vững

Trồng một vụ lúa trong vuông tôm. Bài, ảnh: Hữu Đức

Trong quá trình chuyển dịch sản xuất ở nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL, mô hình luân canh tôm-lúa cho thấy đạt hiệu quả kinh tế, ít rủi ro, bảo vệ được môi trường. Các nhà khoa học đánh giá: đây là mô hình canh tác thông minh, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Tiềm năng mở rộng còn lớn, nhưng hiện nay một số địa phương chưa chú trọng phát huy tối đa lợi thế sản xuất (SX) trong quy hoạch, sắp xếp bố trí mùa vụ và kỹ thuật canh tác chưa hợp lý.

Hiệu quả kinh tế cao

15 năm qua, canh tác theo mô hình lúa-tôm phát triển nhanh ở ĐBSCL. Theo Tổng Cục Thủy sản, vào năm 2000 có 71.000ha, đến năm 2015 tăng lên 175.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích nuôi tôm sú toàn vùng. Sản lượng đạt 75.000 tấn. Trong đó vùng nuôi tôm tập trung ở Kiên Giang 77.800ha, Cà Mau 42.800ha, Bạc Liêu 29.400ha, Sóc Trăng 17.700ha… Vụ tôm cho năng suất đạt bình quân 300-500 kg/ha tôm và vụ lúa đạt 4-7 tấn lúa/ha. Chi phí SX khoảng 30-35 triệu đồng/ha, lãi đạt bình quân 35-50 triệu đồng/ha/năm (tính chung cả tôm và lúa). Trong SX lúa, các giống được chọn trồng phổ biến như: ST, Một bụi đỏ, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677… cho năng suất khá cao. Tuy vậy, hiện chỉ có một số giống lúa thích nghi độ mặn 5‰. Trong khi vụ nuôi tôm một số địa phương năng động chọn nuôi tôm sú, tôm thẻ (chân trắng) hoặc tôm càng xanh hay nuôi ghép cua biển để tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay mô hình nuôi tôm-lúa quảng canh cải tiến nuôi 1 vụ tôm- 1 vụ lúa phổ biến nhiều ở các vùng chuyên canh lúa năng suất thấp ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Mô hình này có diện tích nuôi lớn, có mương bao chung quanh chiếm 10-30% và thả nuôi tôm với mật độ thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp, phù hợp với điều kiện tự nhiên và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, mô hình lúa-tôm bán thâm canh phổ biến tại Sóc Trăng và Trà Vinh, qui mô nhỏ, khoảng 2 ha/hộ và có xu hướng tăng mật độ thả nuôi để tăng lợi nhuận. Mô hình này năng suất tôm cao, mực nước ruộng sâu thuận lợi cho nuôi tôm và lượng mưa trực tiếp, không thiếu nước ngọt nên canh tác lúa ít gặp khó khăn. Mặt hạn chế là tôm rủi ro bệnh cao, đất nhiễm mặn nếu nơi nào ít mưa, nắng nhiều; khó thu hoạch lúa bằng cơ giới.

Hiện nay, mô hình tôm-lúa được nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đánh giá canh tác hiệu quả, vốn đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng tận dụng được thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh. Tôm thương phẩm có chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tiềm năng mở rộng

TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: Ở 8 tỉnh ĐBSCL có 970.000ha trong số 1.560.000ha lúa đông xuân trong vùng, chiếm hơn 62% diện tích. Tiềm năng phát triển vùng nuôi tôm-lúa trong vùng còn khá lớn, đặc biệt trong vài năm gần đây trước xu hướng nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu vào đất liền, mô hình có điều kiện mở rộng thuận lợi, mang tính bền vững. Diện tích canh tác lúa-tôm có thể đạt tới 200.000ha/năm, đóng góp khoảng 800.000 tấn lúa/năm trong tổng sản lượng lúa. Đặc biệt lúa đặc sản, chất lượng cao và có thể đạt tiêu chí SX theo tiêu chuẩn GAP, giá trị hạt gạo tăng thêm so với canh tác bình thường và ngược lại nuôi tôm sạch giá trị càng cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân.

"Tuy nhiên, lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp để mô hình tôm - lúa ổn định và bền vững cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện qui trình kỹ thuật SX. Các địa phương cần tiếp tục rà soát quy hoạch chi tiết để phát triển vùng quy hoạch tôm - lúa, đầu tư nâng cấp thủy lợi, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng GAP để gia tăng giá trị. Trong đó chú ý lựa chọn sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm đặc sản địa phương, như: ST, OM4900 và 11 giống lúa thích nghi trong điều kiện hạn mặn của Viện lúa ĐBSCL vừa công bố", TS Nguyễn Văn Hòa đề xuất.

Hiện nay ở Bạc Liêu chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang áp dụng theo mô hình luân canh tôm-lúa có 26.000-29.000ha, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Kết quả qua nhiều năm cho thấy lúa phát triển tốt, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó cắt mầm bệnh khi chuyển sang vụ nuôi tôm. Mô hình chứng minh giảm thiểu nạn ô nhiễm đồng ruộng, hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh, giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt. Tuy vậy, muốn canh tác lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả, yêu cầu ruộng phải nằm xa cửa biển, khi gặp thời tiết bất lợi như nắng hạn thì không bị nước mặn xâm nhập gây thiệt hại cho cây lúa; kênh rạch dẫn nước trong cánh đồng cần có lượng nước ngọt tối thiểu 4 tháng trong năm để chủ động khi gặp nắng hạn dài ngày.

Do đó lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh trong vùng kiến nghị nhà khoa học các viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu, sớm hoàn thiện mô hình SX luân canh tôm - lúa để có thể mở rộng SX trên cánh đồng lớn. Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định: Mô hình luân canh tôm-lúa đã được nông dân chứng minh qua SX thực tiễn đạt hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận đạt 15-35% giúp tăng thu nhập cho nông dân. Ưu điểm vượt trội là nuôi tôm, trồng lúa ít dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm lúa, tôm đều sạch, môi trường được giữ gìn tốt hơn. Vấn đề trở ngại hiện nay là ở một số địa phương điều kiện thủy lợi, kênh cấp-thoát nước chưa đảm bảo; kỹ thuật SX, giống lúa, giống tôm, vật tư nông nghiệp… cùng với hoàn thiện qui trình SX để tăng năng suất cho cả hai vụ lúa và tôm. Tiềm năng mở rộng mô hình lúa-tôm ở ĐBSCL dự kiến đến 2030 có thể đạt 300.000 ha.

Bài, ảnh: Hữu Đức Báo Cần Thơ, 01/08/2016