TIN THỦY SẢN

Mô hình “tôm sú - lúa” đạt hiệu quả trên đồng đất Thới Bình

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình tôm sú - lúa còn mang tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Vụ mùa năm 2017, huyện Thới Bình được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đầu tư dự án mô hình nuôi tôm sú - trồng lúa, với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng con tôm và hạt lúa, từng bước xây dựng mô hình nuôi tôm sú - trồng lúa phát triển bền vững. Bước đầu dự án đã phát huy hiệu quả.

Mô hình tôm sú - lúa tại huyện Thới Bình được triển khai với diện tích 20ha cho 15 hộ dân ở Ấp 4, xã Trí Phải; thực hiện nuôi 3 vụ tôm, trồng 1 vụ lúa. Vụ tôm được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 8, vụ lúa từ tháng 8 đến tháng 12/2017. Trong đó, bà con nông dân được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tôm sú giống, 30% vật tư nông nghiệp và được tập huấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình cho đến khi thu hoạch. Riêng về vụ tôm, nhìn chung sau khoảng 2,5 - 3 tháng chăm sóc và thực hiện đúng quy trình, tôm đạt trọng lượng 40 con/kg, năng suất trung bình 400 - 500 kg/ha, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận gần 70 triệu đồng/ha/vụ.

Bà con trong vùng thực hiện mô hình đang cải tạo đất chuẩn bị cho vụ lúa.

Ông Nguyễn Văn Thêm là một trong 15 hộ thực hiện dự án, cho biết: “Gia đình tôi có 2ha đất sản xuất theo mô hình nuôi tôm sú - trồng lúa. Những năm qua, việc sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn, do chưa nắm được khoa học kỹ thuật nên tình trạng tôm chết thường xuyên xảy ra. Đầu năm nay, tôi được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đầu tư thực hiện dự án mô hình nuôi tôm sú - trồng lúa với gần 2ha. Sau gần 3 tháng nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của kỹ sư chỉ dẫn, tôm nuôi đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Tôi đã thu hoạch được 2 vụ với hơn 1 tấn tôm, lợi nhuận đạt gần 70 triệu đồng/ha, cao nhất so với từ trước đến nay”.

Hiện các hộ nuôi trong dự án đã thu hoạch được 2 vụ tôm nuôi, vụ tôm thứ 3 đang phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 50con/kg. Thấy được hiệu quả, ngay thời điểm này, người dân cũng đã bắt tay cải tạo ao, đầm chuẩn bị cho vụ lúa. Ông Võ Văn Điệp, tổ trưởng mô hình lúa - tôm Ấp 4, đánh giá: “Cái lợi khi tham gia mô hình này là bà con được hỗ trợ con giống có chất lượng, thực hiện đúng theo quy trình nuôi, kỹ thuật canh tác lúa và chăm sóc tôm sú. Đến thời điểm này, hộ thu hoạch ít nhất là gần 400kg, hộ trúng nhất trên 500kg/ha. Mô hình này nên được nhân rộng trong thời gian tới để giúp nông dân tăng thu nhập”.

Điểm nổi bật của mô hình là trong quá trình nuôi tôm sú hay sản xuất lúa, bà con không sử dụng thuốc hóa học, mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học. Điều này giúp sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng.

TS. Vũ Anh Tuấn cho biết: “Mô hình tôm sú - lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, nếu người dân chỉ quan tâm đến việc nuôi tôm, mà bỏ qua sản xuất lúa thì khả năng sẽ làm mất đi tính hiệu quả của mô hình. Bởi, nếu sản xuất thâm canh tôm sú liên tục thì ao nuôi dễ bị “lão hóa”, phát sinh nhiều mầm bệnh. Do đó, Dự án mô hình nuôi tôm sú - trồng lúa, ngoài mục đích nâng cao năng suất, chất lượng của con tôm và hạt lúa, còn giúp người dân biết được lợi ích của trồng lúa trong thực hiện mô hình. Qua đó góp phần giúp mô hình ngày càng phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay”.

Báo Đất Mũi