TIN THỦY SẢN

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) TRẦN TRỌNG TRUNG

Trước đây, một số nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tận dụng các ao, hầm, đìa bàu, mương vườn… cạnh nhà trồng sen chỉ để làm cảnh cho đẹp. Nhưng, từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái và tạo nguồn thu nhập bền vững cho nông dân, nhiều hộ nông dân ở các xã Phú Đức, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim... đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá và đã mang lại nguồn lợi thật đáng kể.

Từ 17 ha ruộng trồng sen trong năm 2010, đến nay toàn huyện đã trồng 50 ha sen. Chị Hà Thị Hương, người trồng sen ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức cho biết: “Cây sen rất dễ trồng và có thể trồng được quanh năm, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau... nên gia đình tôi đã không ngần ngại thuê 3,7 ha đất ruộng canh tác lúa kém hiệu quả để trồng sen Đài Loan. Sau thu hoạch, gia đình tôi đã thu lãi 80 triệu đồng”.

Thông thường, sen trồng được khoảng 30 ngày thì cho thu hoạch ngó sen đợt đầu. Trung bình đạt từ 4 - 5 kg ngó sen/công. Sau đó, cách 2 - 3 ngày là thu hoạch ngó một lần và sản lượng ngó sẽ tăng cao hơn nhiều từ đợt thứ nhì trở đi nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Bình quân mỗi ngày người trồng khai thác được trên 10 kg ngó sen bán giá từ 10.000 đ/kg trở lên, thu nhập cả trăm ngàn đồng.

Đó là chưa tính tới nguồn lợi nhuận từ cá nuôi trong ruộng sen. Theo chị Hương: “Muốn trồng sen đạt hiệu quả cao, trước khi trồng phải bơm nước vào ruộng cao chừng 3 - 5 tấc, rồi chọn những bụi sen khỏe, có đủ rễ, lá còn đang cuống... rồi đem cấy xuống ruộng. Chú ý, khi cấy phải cho các lá sen nằm trên mặt nước, nếu để nước ngập lá sen sẽ chết! Còn việc chăm sóc cho sen cũng rất đơn giản, nhưng phải thường xuyên cần mẫn tỉa bỏ những lá sen già cỗi, lá bị sâu để tạo thông thoáng cho các lá sen non mọc. Nếu sen bị bệnh đốm lá do nấm gây ra, phải sử dụng thuốc Tilt 250 ND để xịt. Khi thấy lá sen bị sâu ăn lủng lỗ thì dùng thuốc Pegagus để phun. Nhờ cần mẫn chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên gia đình tôi đã thu lợi nhuận đáng kể”.

Không chỉ bán gương sen mà các bộ phận khác của sen như: ngó, lá, cuống, hoa sen, tâm, nhụy, hạt sen... cũng đều có thể bán được nên cây sen rất có giá trị về kinh tế. Hiện tại, nông dân rất cần sự gắn kết giữa “4 nhà” (nhà nông - nhà khoa học - nhà nước và nhà doanh nghiệp) trong việc phát triển cây sen ở vùng Đồng Tháp Mười này, nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại nguồn thu nhập kinh tế gia đình bền vững cho nông dân, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển!

TRẦN TRỌNG TRUNG Khoa học phổ thông