TIN THỦY SẢN

Mô hình ương nuôi trực tiếp ngao giống từ cấp I lên cấp II đạt hiệu quả kinh tế cao tại Nam Định

Kiểm tra ngao giống (chủ hộ mặc áo sáng màu, không đội mũ) Tăng Mỹ Trang - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Thực hiện dự án “Phát triển mô hình sản xuất ngao giống”, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung ương Hội nghề cá Việt Nam xây dựng mô hình ương nuôi ngao giống từ cấp I lên cấp II. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Quân ở xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với diện tích ương 900m2.

Mô hình thả giống ngày 15/6/2015. Cỡ giống ngao thả 0,5mm/con, mật độ thả 50.000 con/m2, lượng giống thả 45 triệu con. Nguồn giống Công ty Cổ phần Xuân Thủy Xanh.

Trong thời gian ương nuôi 8 tháng, chủ hộ được tham gia tập huấn, được cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn quy trình thực hiện kỹ lưỡng.

Chủ hộ đã thực hiện tát cạn ao, bắt hết cá dữ, cá tạp, vét bùn thối, dùng 200m3 cát phun để cải tạo ao, lọc nước vào ao qua lướt potylen mắt dày. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chủ hộ thường xuyên quan sát màu ao, theo dõi các yếu tố môi trường như  độ mặn, nhiệt độ, PH, hàm lượng oxy, độ trong, độ sâu… để khi có diễn biến thời tiết bất thường chủ động xử lý kịp thời. Định kỳ 1 tháng kiểm tra cỡ ngao giống, tình hình phát triển của ngao để tăng tảo làm thức ăn cho ngao ngao. Định kỳ 1 tháng thay nước 2 lần, mỗi lần thay 20% lượng nước trong ao.

Đến nay mô hình đã đạt kết quả tốt, có hiệu quả kinh tế. Mô hình thu được 24,3 triệu con ngao giống cấp II. Với giá bán 18 đồng/con, mô hình thu 437,4 triệu đồng. Trừ chi phí (163,6 triệu đồng), mô hình cho lãi 273,8 triệu đồng.

Qua kết quả của mô hình cho thấy lợi nhuận thu được khá cao. Việc triển khai dự án giúp người nuôi nâng cao trình độ kỹ thuật, áp dụng vào thực tế của gia đình về kỹ thuật sản xuất ngao giống, từ đó có thể nhân rộng cho các hộ xung quanh học tập làm theo. Dự án giúp tạo được nguồn con giống tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi và hạn chế nhập giống từ miền nam và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, các cán bộ kỹ thuật khuyến cáo để có năng suất cao hơn nữa, nên đưa vào nuôi sớm hơn từ tháng 5 dương lịch, chủ động trong việc chọn giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, người nuôi cần nắm vững kỹ thuật ương ngao, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tỷ lệ sống và tốc độ phát triển của ngao ương để san ao kịp thời, đảm bảo đủ diện tích và nguồn thức ăn cho ngao ương. Đặc biệt, người nuôi nên mạnh dạn đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu cải tạo ao đến phòng trị bệnh chăm sóc cho ngao đến cuối vụ.

Ngoài ra, các cấp chính quyền cơ sở cần nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi để đảm bảo môi trường, nguồn nước không bị ô nhiễm thuận lợi cho công việc ương nuôi ngao đạt kết quả cao.

 

Tăng Mỹ Trang - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Khuyến Nông Việt Nam, 28/12/2015