Mở rộng mô hình thâm canh thủy sản và sản xuất giống lúa
Năm 2016, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các mô hình thâm canh trong vực thủy sản.
Điển hình là mô hình nuôi thâm canh cá rô phi dòng Đường Nghiệp thương phẩm quy mô 2ha tại huyện Gia Bình, tỷ lệ sống trung bình đạt hơn 90%, năng suất đạt 22,8 tấn/ha/vụ. Qua đó khẳng định nuôi thâm canh cá rô phi dòng Đường nghiệp thương phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của nông dân trong tỉnh. Mô hình nuôi cá Chạch chấu thương phẩm thu nhập cao, dự kiến đạt 200-300triệu đồng/ha/vụ; mô hình nuôi cá nheo Mỹ bằng thức ăn công nghiệp thu nhập dự kiến đạt 180-200 triệu đồng/ha/vụ, góp phần thay đổi phương thức nuôi trồng thủy sản tự phát, tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.
Trong lĩnh vực trồng trọt, đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Quế Võ và Lương Tài, quy mô 20ha, năng suất đạt 57,7-61tạ/ha (cao hơn đối chứng 2,8-4 tạ/ha). Thông qua mô hình đã kết nối giữa cơ sở sản xuất với Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm bước đầu tiêu thụ sản phẩm (145 tấn lúa) cho các hộ nông dân. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp nông dân nâng cao thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình sản xuất giống lúa mới ngắn ngày GL105, quy mô 160ha vụ xuân triển khai tại huyện Yên Phong và Quế Võ, chất lượng tốt, cơm ngon, năng suất đạt 68-72 tạ/ha (cao hơn đối chứng Q5 từ 3-4 tạ/ha); vụ mùa tiếp tục triển khai 40ha tại 4 huyện Yên Phong, Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, qua đó làm cơ sở đánh giá sự phù hợp của giống lúa mới GL105 đối với điều kiện canh tác của địa phương, góp phần thay đổi cơ cấu giống lúa của tỉnh tạo sản phẩm lúa hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt…