TIN THỦY SẢN

Mô thức mới phá vỡ giới hạn của nghề nuôi tôm

Mô thức nuôi tôm mới - kỳ vọng phá vỡ giới hạn của ngành tôm. Ảnh: lhhkh.baclieu.gov.vn Mỹ Hạnh

Giữa vùng ĐBSCL tưởng như đã có rất nhiều các giải pháp nông nghiệp thì tinh thần “làm đúng lại cái đang bị làm sai; làm tốt hơn cái đang tốt; làm có cái chưa có; và làm một dấu ấn tốt để lại cho cuộc sống” của TS. Nguyễn Thanh Mỹ vẫn thôi thúc ông đi tìm giải pháp giúp ngành tôm vượt qua những thách thức đang bó buộc tiềm năng của lĩnh vực này.

Giải pháp mà TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc điều hành Rynan Technologies và Mỹ Lan Group hướng đến ấy là một cách thức thực hành khác với những gì đã có từ trước đến nay - một “mô thức” nuôi tôm thẻ siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số TOMGOXY (viết tắt cho chữ Tôm Giàu Oxy) mà ông và các kỹ sư ở công ty đã phát triển, dựa trên sự tích hợp các công nghệ vật lý, hóa học, sinh học và kỹ thuật số.

Tại sao cần mô thức mới?

“Chớ hiểu nhầm ‘mô thức’ (paradigm) là ‘mô hình’ (model)”, ông Mỹ giải thích trong cuộc trò chuyện vớiKH&PT.“Mô hình chỉ nằm trong mô thức mà thôi. Một mô thức mới có nghĩa là nó phải có công nghệ mới, lý thuyết mới, khái niệm mới, tiêu chuẩn mới,... vượt thoát ra khỏi những cách làm cũ”, ông Mỹ nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ ở ao nuôi tôm. Ảnh: NVCC

Cách đây 5 năm, Việt Nam từng kỳ vọng sẽ cán mốc 10 tỷ USD tiền xuất khẩu tôm vào năm 2025. “Cho tới bây giờ chúng ta mới xuất khẩu được gần 4 tỷ USD, liệu trong vòng vài năm tới có thể tăng thêm 2,5 lần để đạt con số 10 tỷ hay không, nếu chúng ta vẫn nuôi tôm theo những mô thức cũ?”, ông Mỹ đặt câu hỏi. “Là một người làm khoa học, người đứng từ phía bên ngoài nhìn vào như tôi, thì câu trả lời là: sẽ không thể làm được”, ông Mỹ khẳng định.

Nhận định của ông bắt nguồn từ một thực tế: Dư địa để tăng diện tích nuôi tôm đã không còn mà chỉ còn có thể tăng năng suất nuôi tôm (hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 740 ngàn hecta nuôi tôm, trong đó có 630 ngàn hecta nuôi tôm sú và 110 ngàn hecta nuôi tôm thẻ chân trắng).

Để tăng năng suất, ngành nuôi tôm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang chuyển dần từ mô hình nuôi tôm “quảng canh ao đất”, sang “thâm canh ao nổi lót bạt HDPE” và “siêu thâm canh ao nổi lót bạt HDPE có mái che” với mật độ tôm nuôi thương phẩm có thể đạt đến 500 con/m2.

Vùng nuôi tôm dần chuyển sang công nghệ mới. Ảnh: cdnimg.vietnamplus.vn

“Dĩ nhiên số người thành công cũng có nhưng số người thất bại lại rất nhiều và đó là tình trạng chung vì nuôi thâm canh và siêu thâm canh đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành, từ hóa học để xử lý nước, sinh học để nuôi vi sinh, nuôi tôm, nuôi tảo đến kiến thức kinh doanh để biết trả giá mua thức ăn cho tôm, biết thương lượng để bán tôm cho đắt…”, ông Mỹ nói.

Không chỉ vậy, có nhiều vấn đề đang thách thức ngành tôm hiện nay như: chất lượng tôm giống kém, việc quản lý nước và mầm gây bệnh chưa tốt dẫn đến bùng phát dịch bệnh nhiều, giá thành sản xuất còn tương đối cao do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài để làm thức ăn cho tôm,.. Tuy nhiên, có một nút thắt lớn mà theo ông Mỹ nếu như không có giải pháp, công nghệ mới để giải quyết thì ngành tôm sẽ đạt đến điểm “tới hạn” trong nay mai, đó là: nồng độ oxy hòa tan trong nước.

“Để có thể sử dụng được lượng lớn thức ăn trong nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ dầy, nồng độ oxy hòa tan trong nước phải luôn ổn định và cao hơn mức 5 mg/L. Hiện nay, người nuôi tôm có thể nâng được mật độ tôm ở trong một diện tích lên là nhờ phương pháp sục không khí tạo oxy hòa tan như vậy. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nồng độ oxy hòa tan trong nước không bao giờ có thể cao hơn nồng độ oxy hòa tan bão hòa”, ông Mỹ cho biết.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nồng độ oxy hòa tan bão hòa trong nước lợ thường thấp hơn 7,6 mg/L tùy thuộc vào độ mặn của nước, độ cao của ao nuôi tôm so với mặt nước biển, nhiệt độ của nước và những điều kiện thời tiết khác trong ngày. “Như vậy đó là cái điểm maximum (tối đa) mà không có cách nào để công nghệ sục khí này có thể vượt qua và tăng mật độ nuôi trên diện tích canh tác”, ông Mỹ chỉ ra vấn đề.

“Việt Nam đã có 20 năm phát triển ngành nuôi tôm thâm canh rất ngoạn mục khi từ một nước không ai biết tới trong lĩnh vực nuôi tôm mà tới nay đã đứng thứ ba về xuất khẩu trên thế giới, chủ yếu nhờ vào việc sử dụng công nghệ sục không khí tạo oxy hòa tan cơ học, kết hợp với hóa chất và kháng sinh để xử lý nước và trị bệnh cho tôm. Thế nhưng, nếu không có những mô thức mới không giống cái bình thường, rất khó để có thể vượt qua những hạn chế về công nghệ, những thách thức trong canh tác và đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm”, ông Mỹ nhấn mạnh.

Vượt ra khỏi “chiếc hộp”

Từ góc nhìn của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, câu chuyện của ngành tôm có thể tóm gọn lại trong ba việc: nuôi nước, nuôi tôm và bán tôm. Do đó, bên cạnh mô hình “tôm đạo đức” cũng do chính công ty của ông Mỹ đưa ra vào năm 2021 để đưa tôm “từ ao nuôi đến bàn ăn”, ông và các kỹ sư trong công ty đã bắt tay vào phát triển mô thức nuôi tôm thẻ siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số TOMGOXY để tập trung vào cách nuôi nước, nuôi tôm sao cho “con tôm phát triển xanh hơn, tiết kiệm được nhiều nước hơn, canh tác bền vững hơn”.

Vậy mô thức hẳn phải phức tạp và đắt tiền? “Nếu bạn lên chỗ chúng tôi đang nuôi tôm thì sẽ thấy, thực ra nó vô cùng đơn giản”, ông Mỹ cười trả lời. Ao nuôi tôm theo mô thức mới của ông Mỹ thực tế chỉ gồm có mái nổi, hệ thống tạo dòng nước cho tôm ăn và hệ thống cung cấp oxy cho tôm. Trong đó, mái nổi có bốn chức năng là giảm thất thoát oxy hòa tan do bốc hơi, giữ ổn định nhiệt độ nước, kiểm soát sự phát triển của tảo, và cuối cùng là loại nước mưa.

Ao nuôi tôm siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số. Ảnh: NVCC

Tưởng chừng như không có gì đặc biệt, thế nhưng điểm mấu chốt của mô thức mới lại nằm ở những sự vận dụng và đổi mới rất nhỏ và chi tiết mà từ đó sẽ tác động đến cả năng suất, chi phí sản xuất và môi trường. Khác biệt đầu tiên là sự thay đổi hệ thống tuần hoàn nước, thay dòng chảy rối thành dòng chảy tầng để giảm sự thất thoát oxy hòa tan.

Đồng thời, những chiếc máy sục khí quen thuộc trong các ao nuôi tôm được ông Mỹ và các kỹ sư nghiên cứu và thay thế bằng máy tạo oxy (đưa oxy tinh khiết vào nước để oxy tan ở nồng độ cao hơn bão hòa). Nhờ đó, “nếu từ trước tới giờ người ta không thể nuôi tôm được ở môi trường oxy quá 7,6 mg/L thì với công nghệ này, chúng tôi có thể nuôi tôm ở nồng độ 12,13,14 thậm chí 20 mg/L, muốn nồng độ oxy hòa tan cao hơn cũng được. Và thông thường chỉ cần nuôi tôm ở nồng độ oxy 8 đến 14 mg/L là tôm đã rất khỏe, ít bị bệnh rồi”, ông Mỹ nói.

Thêm vào đó, do không dùng công nghệ sục khí, thay vì phải sử dụng đến 5500 kWh/tấn tôm, lượng điện tiêu thụ sẽ khoảng 2500 kWh/tấn tôm trở xuống. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống tuần hoàn nước chảy tầng không đánh vỡ bể ra phân tôm và thức ăn thừa thành những hạt rắn rất nhỏ lơ lửng trong nước nên rất dể thu gom vào hệ thống xi phông ra khỏi ao nuôi, từ đó tiết kiệm được rất nhiều nước.

Không chỉ vậy, mô thức mới của ông Mỹ còn có những đổi mới để phù hợp hơn với tập tính của con tôm và mục đích của từng giai đoạn. Thay vì hoàn toàn dùng ánh sáng tự nhiên, ao nuôi tôm của ông Mỹ kết hợp giữa ánh sáng thiên nhiên và ánh sáng nhân tạo, trong đó thời gian “ban ngày” sẽ kéo dài 18 tiếng và thời gian buổi tối là 6 tiếng. “Con tôm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi ánh sáng Mặt trời.

Nếu như có ánh nắng, chúng sẽ đi theo từng đàn và ăn thức ăn công nghiệp, còn ngược lại chúng sẽ là những kẻ đi săn đơn độc và chỉ ăn tảo và động vật phù du thôi. Nếu tôm ăn nhiều thức ăn tự nhiên thì chất lượng tôm tốt hơn, ăn ngon hơn, còn nếu ăn nhiều thức ăn công nghiệp thì chúng sẽ mau lớn hơn”, ông Mỹ giải thích.

Nguồn ánh sáng nhân tạo và màu sắc sẽ không cố định mà có thể được lập trình tự động thay đổi tùy tuổi và sự phát triển của tôm. Ngoài ra, với mô thức này, ao nuôi tôm cũng sẽ được kiểm soát bằng công nghệ số để tự động hóa và báo cáo trực tiếp cho người nuôi tôm các thông số quan trọng như độ pH, độ mặn, nồng độ oxy hòa tan,...

Với tất cả những thay đổi này, “mô thức nuôi tôm thẻ siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số sẽ cho phép tăng mật độ nuôi trên diện tích canh tác lên trên 500 con/m2; đồng thời có thể thay thế hóa chất với phương pháp vật lý và sinh học trong xử lý nước và phòng ngừa bệnh tôm, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm chi phí đầu tư so với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện tại”, ông Mỹ tự tin nói.

Nhưng quan trọng hơn cả, mô thức nuôi tôm mà ông Mỹ đã xây dựng sẽ “đơn giản hơn, chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn để những người nông dân hiện đại có thể lấn sân qua nuôi thâm canh và siêu thâm canh được”, ông khẳng định. “Đó là cái đương nhiên phải làm. Ý tưởng của chúng tôi là làm sao để cộng đồng có thể đưa ra ứng dụng, phổ biến được. Càng ngày người ta càng cần có một môi trường nuôi tôm có thể điều khiển, kiểm soát được, nếu mà đắt đỏ, phức tạp quá thì làm sao những người nông dân có thể nuôi được?”, ông nói.

Hiện nay, mô thức nuôi tôm giàu oxy công nghệ số của TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã sẵn sàng để chuyển giao công nghệ. Với không ít doanh nghiệp, bí mật công nghệ là yếu tố quan trọng mà họ không muốn tiết lộ. Nhưng với ông Mỹ, ông tự nhận mình là người “khoái đi khoe”.

“Không có cái giúp nào mà theo tôi quý giá bằng cái giúp cho người ta kiến thức, giúp cho người ta công nghệ để làm. Và với mô thức này, dù người nông dân không có tiền đầu tư thì mình cũng có thể hợp tác, mình thầu đầu ra cho họ luôn, làm sao đó cho họ có lời nhiều hơn, ít rủi ro cho họ hơn. Đó là điều tôi mong muốn”.

Với bất kỳ một giải pháp mới nào được đưa ra, người ta cũng thường tò mò, nhờ đâu mà tác giả của nó lại tìm ra được phương thức ấy? Nhưng đối với ông Mỹ, dường như việc đi tìm cái mới là một điều hiển nhiên. “Thực ra mọi thứ đi từ những phương trình có sẵn, rất cơ bản về khoa học, chỉ cần vượt qua là sẽ sang mô thức mới, tại sao lại chưa có ai áp dụng?”, ông tự đặt câu hỏi.

Mỹ Hạnh Báo Khoa học và Phát triển