TIN THỦY SẢN

Mong manh phận hến sông Bùi

Niềm vui sau một ngày lao động vất vả của người đi cào hến.

Tiết trời đã cuối thu, không khí buổi sớm mai bắt đầu se se rét. Ấy vậy mà những người phụ nữ ở nhiều xã dọc dòng sông Bùi (huyện Chương Mỹ) vẫn phải ngụp lặn giữa dòng sông lạnh giá để kiếm sống hằng ngày. Nghề cào hến đã gắn chặt với người dân nơi đây như một lẽ thường tình...

Năm giờ sáng, trên chiếc xe đạp không thể cà tàng hơn, bà Ngô Thị Thê, ở thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) bắt đầu một ngày làm việc mới. Tiết trời đã cuối thu nên bà Thê mặc nhiều áo hơn thường ngày để đủ ủ ấm khi xuống nước. Bà Thê nói: "Đã gần 40 năm nay tôi gắn bó với nghề cào hến. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, rét mướt tôi đều ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng, rong ruổi trên khắp những dòng sông, ao hồ ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai. Ở đâu có trai, có hến là chúng tôi đến". Gương mặt già nua, đen đúa, dáng người gầy gò, lộ rõ vẻ khắc khổ đủ thấy thâm niên, mức độ vất vả của bà Thê trong nghề cào hến. Dường như, những hình ảnh điển hình nhất của một con người "sinh nghề, tử nghiệp" bám sông cào hến đều có trên con người bà Thê. "Từ nhỏ, tôi đã theo cha mẹ học cào hến ở sông. Đến khi xây dựng gia đình, ruộng vườn ít, không có việc làm, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên vẫn không bỏ được nghề"- bà Thê kể lại. Lúc này chúng tôi mới hiểu và thấy đồng cảm hơn với những việc người dân nơi đây đang hằng ngày vất vả để kiếm kế sinh nhai.

Ở đoạn sông Bùi dài chừng 100m qua xã Hoàng Văn Thụ gần như ngày nào cũng có đến mấy chục con người cặm cụi mò trai, cào hến. Chị Đỗ Thị Sợi, ở thôn Hòa Bình (xã Hoàng Văn Thụ), 38 tuổi nhưng cũng có đến 15 năm "đi hến". Tay quăng bàn cào hến ra xa, chị Sợi tâm sự: "Nghề này phải hằng ngày tiếp xúc với sông nước nên vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Năm trước ở xã Hoàng Văn Thụ đã có người chết khi đi cào hến. Làm nghề dầm nước ngang thân suốt ngày mà không biết bơi thì nguy hiểm luôn rình rập, đặc biệt là ở những nơi nước sâu". Trong khoảng 40 người làm nghề cào hến ở thôn Hòa Bình, chị Sợi là một trong số ít người biết bơi, nên họ rất gắn bó, hỗ trợ nhau khi làm việc.

Nghề cào hến ở xã Hoàng Văn Thụ thu hút cả những người già, trung tuổi, thậm chí cả trẻ em vào dịp nghỉ hè. "Ở quê việc ít, nghề nông thu nhập thấp nên mọi người phải đi làm thuê. Lứa tuổi chúng tôi không có văn hóa, nhà máy không tuyển, không biết chọn nghề gì khác ngoài nghề cào hến để kiếm sống qua ngày"- chị Sợi nói. Cào hến dù vất vả nhưng nhờ nó, gia đình chị Sợi mới có đồng ra đồng vào cho sinh hoạt hằng ngày và nuôi hai con ăn học. Chị Sợi cho biết, bình quân mỗi ngày cào được khoảng 10-12kg hến là thu được 80-100 nghìn đồng. Những ngày "trúng mỏ" thì thu nhập có thể tới vài trăm nghìn đồng, nhưng hiếm có cơ may như vậy. Trưởng thôn Hòa Bình Đặng Đình Ngoãn xác nhận, cào hến đã trở thành "nghề kiếm cơm chính" của nhiều gia đình. Dù không ổn định nhưng nó đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân. Có thể thấy, cuộc sống của người dân cào hến phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy, người làm nghề rất lo lắng mai này trên những dòng sông, con suối không còn hến thì biết đi đâu, làm gì để kiếm sống. Điều lo lắng của họ không phải không có cơ sở khi mà các dòng sông trong lành là nguồn sống của họ đang bị ô nhiễm trầm trọng. Vì vậy, người dân nơi đây mong mỏi được kiếm sống trên chính mảnh đất quê hương họ, đặc biệt là khi chương trình xây dựng NTM ở các địa phương đang gấp rút tiến hành. Đây cũng là những đối tượng cần được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện giúp họ tham gia vào chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị đất canh tác ở các địa phương để vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước thoát ly khỏi cái nghề lam lũ và bấp bênh này. 

http://hanoimoi.com.vn