Mong nước mặn để… làm giàu
Giữa lúc người dân ĐBSCL đang quay quắt vì hạn mặn khốc liệt thì người dân ở xã cù lao Hòa Minh (Châu Thành, Trà Vinh) lại an nhiên thảnh thơi, thậm chí họ còn mong có nước mặn để… làm giàu.
Mong nước mặn
“Tôi vừa bán 1,3 tấn tôm được 120 triệu đồng. Hiện tại, dưới ao còn 8.000 con cua, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 70 triệu nữa. Ở đây chỉ mong nước mặn mới giàu chứ nước ngọt trồng lúa sạch chỉ để dành ăn”, bà Võ Thị Chanh ở ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh nói.
Gia đình bà Chanh có 1 ha, mỗi năm làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm đã gần 20 năm nay. Bà cho biết, ở đây 2 mùa nước ngọt và mặn. Mùa nước ngọt đất để trồng lúa sạch (sinh thái) không phun thuốc trừ sâu nhằm cải tạo đất bằng cách cho lúa hấp thu cặn bã của tôm. Canh tác theo phương thức này, mỗi năm gia đình bà trồng lúa thu hoạch được 3 tấn thóc, trong đó 1 tấn để dành làm thức ăn cho tôm. Gia đình bà Chanh không phải tốn tiền mua thức ăn chăn nuôi mà tự chế biến bằng cách nấu lúa cho chín rồi xay nhuyễn thành bột trộn với con ruốc ép thành dạng viên cho tôm ăn.
“Nuôi bằng cách này đỡ tốn chi phí thức ăn. Đồng thời, kiểm soát được nguồn thức ăn sạch, không sợ có chất kháng sinh nên khi sản phẩm làm ra không sợ ế”, bà Chanh nói.
Cùng ấp, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, nghe trên đài thấy nhiều nơi trong vùng hạn mặn, người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở đây dân đã quen nên không có gì phải lo lắng. Bà Vân có gần 2 ha nuôi tôm, lúa sinh thái từ năm 2001 đến nay. Bà cho biết, hầu như mỗi năm đều lời trên 200 triệu đồng.
Nói về cách thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, bà Vân chia sẻ: “Trước hết là bảo vệ những giá trị tự nhiên quanh mình. Đồng thời, nương tựa vào tự nhiên để tạo ra giá trị mới. Người dân của ấp đã ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên để cá, tôm sinh đẻ tự nhiên. Hoặc nếu đánh bắt phải theo mùa và quy định rõ ràng”. Bà Vân cho rằng, sở dĩ dân ở đây làm được là nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế thông qua các lớp tập huấn về cách thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, chính quyền quan tâm theo sát để hướng dẫn, giúp đỡ bà con.
Lắng nghe dân
Ông Hồ Quang Xê, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Minh giới thiệu, xã có 9 ấp, chiều dài toàn xã 21 km. Tuy nhiên, có chỗ khó khăn về nước ngọt, chỗ phèn… nếu chính quyền quy hoạch chuyên canh tôm lúa một cách máy móc rồi buộc dân phải làm theo thì dân sẽ khổ. Vì thế, trước khi triển khai kế hoạch sẽ lập tổ công tác xuống tận ấp lắng nghe ý kiến của dân để hiểu thực tế địa phương cần gì, làm gì để phát triển. Từ đó, tùy tình hình thực tế mới triển khai phương án giúp dân nâng cao thu nhập.
Ông Xê cho biết: “Những năm 1990, vùng này nghèo và hoang sơ lắm, bởi bao quanh là nước mặn. Khi đó, có chủ trương ngọt hóa để trồng lúa cứu đói và đã triển khai nhiều công trình ngăn mặn để giữ nước ngọt trồng lúa”. Bản thân ông là người phản đối quyết liệt chủ trương này.
Sau vài năm, khi các công trình khép kín không hiệu quả, cơ quan chức năng cho dỡ bỏ để cho nước mặn vào thuận theo tự nhiên. Ông cho biết, gần chục năm trở lại đây, cụm cù lao này đã hình thành khu lúa, tôm, cua, hoa màu, có nơi kết hợp nuôi bò… Từ đó, đời sống người dân đã khá lên rõ rệt, nhà gác tường mọc lên san sát thay thế dần nhà lá.
Ông Trần Trung Kha, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Minh cho biết, mỗi năm dân ở xã cù lao sản xuất hơn 6.000 tấn tôm, cua và hàng nghìn tấn lúa sạch, chưa kể thủy sản tự nhiên khai thác theo mùa. Ngoài ra, còn hơn 4.000 con bò của người dân.
Cù lao Hòa Minh nằm giữa sông Cổ Chiên, nhìn thấy chuyển biến mực nước biển dâng cao theo từng năm nhưng hơn 3.200 hộ với 13.500 nhân khẩu ở đây tự tin mưu sinh một cách nhẹ nhàng theo tự nhiên. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 91 hộ, chiếm chưa đầy 7% dân số.