Mong vụ lúa trên đất nuôi tôm thắng lợi
Qua hơn 10 năm chuyển dịch, không ai thấu hiểu tác hại của việc ô nhiễm nguồn nước bằng người nông dân. Muốn khắc phục được tình trạng này không gì khác hơn là phải gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên hiệu quả cũng thất thường theo thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Thời tiết năm nay diễn biến thất thường, gây nhiều khó khăn cho gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, nông dân đã chủ động gieo sạ trên 200 ha mạ từ rất sớm, tôi tin chắc vụ mùa này tiếp tục thắng lợi về diện tích gieo cấy, sản lượng lúa như vụ mùa trước”.
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh sẽ gieo cấy trên 40.000 ha lúa trên đất nuôi tôm ở những địa phương có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, chủ động tháo rửa mặn thời điểm đầu vụ và giữ ngọt đến cuối vụ. Điều đáng phấn khởi của vụ mùa năm nay là có những địa phương không nằm trong vùng trọng điểm sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhưng bà con nông dân tích cực gieo mạ trên sân để chuẩn bị thực hiện mô hình này.
Thực tế trong nhiều năm qua, thời tiết là yếu tố quyết định cho sản xuất lúa - tôm, nếu thời tiết không thuận lợi, lượng mưa ít thì mô hình lúa - tôm sẽ không hiệu quả.
Nông dân Nguyễn Văn Đấu, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ngoài yếu tố thời tiết, việc rửa mặn trên mặt ruộng cũng là một khâu rất quan trọng quyết định thành công của mô hình lúa - tôm. Để rửa mặn tốt cần chủ động bố trí thời vụ nuôi tôm, trồng lúa hợp lý. Bố trí rửa mặn ngay từ đầu mùa mưa đến khi gần thời vụ gieo sạ lúa vào tháng 9, bảo đảm độ mặn giảm dưới hai phần ngàn mới tiến hành cấy lúa”.
Nông dân Nguyễn Văn Hiền, ấp Rạch Mũi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Từ khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, năm nào tôi cũng làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm, lúa vẫn phát triển tốt, năng suất không thua kém so với những năm trước đây.
Ngay từ đầu vụ, tôi chủ động rửa mặn, gieo sạ đúng lúc, giữ được nước ngọt ổn định cho tới cuối vụ. Làm được việc này phải nhờ đến ô thuỷ lợi khép kín trong khu vực này”.
Ông Hiền khẳng định: “Tôi nghĩ, nếu muốn nuôi tôm đạt hiệu quả thì nên làm một vụ lúa. Vì nếu để đất trống chắc chắn mặt ruộng sẽ sinh rong nhớt, còn khi làm một vụ lúa thì mặt ruộng có nhiều bông súng làm sạch môi trường nước. Sau thu hoạch lúa, đất có thêm gốc rạ là có thêm nguồn thức ăn cho tôm nuôi”.
Nông dân ấp 11, xã Khánh An, huyện U Minh, chuẩn bị gieo mạ trên đất nuôi tôm.
Để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT hướng dẫn lịch thời vụ và giống lúa.
Theo đó, bà con nông dân ở huyện Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời và TP Cà Mau tập trung gieo sạ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (dl) để thu hoạch vào đầu tháng 12 (dl). Giống lúa gieo sạ có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi tốt với điều kiện đất nhiễm mặn như: OM 6677, OM 6976, OM 2517, OM 6162, OM 5954, B-TE1, ST20.
Các huyện còn lại là U Minh và Thới Bình gieo cấy tập trung trong tháng 9 (dl), thu hoạch vào cuối tháng 12 đến tháng 1 (dl) năm sau. Giống lúa phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương là Một Bụi đỏ, Tép Hành, Một Bụi lùn, ST5, ST20, Chín Tèo, Trắng Tròn...
Điều mong muốn của bà con nông dân hiện nay là ngành chức năng cần mở nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ thuật, tư vấn chọn giống lúa thích nghi với vùng đất nhiễm phèn mặn. Nhà nước cần sớm đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi thuỷ nông nội đồng để bổ sung nguồn nước ngọt khi có nắng hạn.