TIN THỦY SẢN

Một hiện tượng tự nhiên kỳ diệu: Sự di cư của cá hồi

Nhiều loài cá hồi có thói quen trở về dòng sông quê hương để sinh sản Nguyệt Hoa

Hầu hết chúng ta đều biết đến cá hồi với biệt danh là một loài cá vua, nhưng cái tên này không đơn thuần để nhấn mạnh hương vị thơm ngon hay độ giàu chất dưỡng chất của cá hồi mà còn nhằm ghi nhận sự phi thường của loài cá này thông qua tập tính ngược dòng tìm về cội nguồn để đẻ trứng của chúng.

Một hành trình vô cùng gian nan của cá hồi 

Cá hồi vốn được sinh ra trong vùng nước ngọt nhưng sự thực là chúng thường dành một nửa quãng đời trưởng thành ở biển. Nguyên nhân là do chúng phải thực hiện một chuyến di cư về cội nguồn của mình, tức những dòng sông, suối để đẻ trứng. 

Trong suốt khoảng thời gian ở biển, những con cá hồi tập trung tích trữ mỡ và năng lượng để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng sắp tới. Bên cạnh đó, chúng cũng phải trải qua một số thay đổi về cơ thể (điều này tùy thuộc theo loài mà có sự thay đổi khác nhau). Cụ thể, chúng có thể phát triển một cái bướu, mọc răng nanh,...  

Dù biết rằng thứ đón đợi sau cùng đối với chúng có thể là cái chết; song những con cá hồi vẫn thực hiện cuộc di cư khó khăn và mạo hiểm này. Không chỉ phải di chuyển hàng nghìn dặm qua đại dương để đến dòng sông đẻ trứng, chúng còn phải đối mặt với những thác nước dốc và chảy xiết hay thậm chí là những kẻ săn mồi. 

Sau khi hoàn thành sứ mệnh, cá hồi sẽ tụ họp lại ở khu vực cửa sông (nước lợ) và chờ con nước lớn tiếp theo để đưa chúng ngược lên dòng sông. 

Điều kỳ diệu là dù trải qua thời gian tương đối dài, nhưng những con cá hồi luôn nhớ dòng sông nơi nó sinh ra. Theo một số nhà sinh vật học thì điều này được giải thích là bởi cá hồi có khả năng di chuyển và định hướng bằng mùi. Do đó, việc “đi để trở về” của những con cá hồi được thực hiện hầu hết là dựa vào bản năng đặc biệt của chúng.

Quá trình di cư của cá hồi Đại Tây Dương 

Cũng giống như nhiều loài cá hồi khác, cá hồi Đại Tây Dương  cũng thực hiện chuyến di cư dài hơn 3.200 km. Vào mùa sinh sản, để có thể trở về vùng suối nước nông đẻ trứng, loài cá này phải vượt qua rất nhiều thác nước dữ. 

Cá hồi Đại Tây Dương phải “vượt thác” để tìm về quê hương 

Trải qua một đoạn đường dài hàng nghìn kilomet, cá hồi Đại Tây Dương cuối cùng cũng được trở về các vùng suối nước ngọt để đẻ trứng. Bất chấp những thách thức ghê sợ là các thác nước dựng đứng, chúng vẫn cố gắng vượt qua với một cơ thể yếu ớt do phải nhịn đói nhiều ngày. 

Tuy nhiên, nhờ có lượng mỡ tích tụ trong khoảng thời gian trước mà chúng có thể tăng tốc và phi lên trên mặt nước với tốc độ cao (có thể nhảy xa hơn 3 mét) để tìm về các dòng sông và tiến hành làm ổ đẻ. 

Quá trình di cư của cá hồi Đỏ 

Cá hồi đỏ là một loại cá sống ở nước mặn và sinh sản ở nước ngọt; cụ thể, chúng thường đẻ trứng trong vùng nước nông trên sông Adams vào tháng 10 hàng năm. Thông thường, cá hồi đỏ sinh trưởng tại các vùng nước ngọt khoảng 1 năm, những con cá nhỏ nở ra từ trứng sẽ di cư ra biển và sống ở đó khoảng 3 năm rồi quay trở lại chính nơi chúng được sinh ra.

Nhờ khả năng bơi ngược sông cũng như có sức mạnh để vượt qua những dòng nước chảy xiết mà cá hồi đỏ có thể vượt qua hành trình di cư dài gần 500 km từ biển tới sông Adams. 

Cá hồi đỏ. Ảnh: nld.com.vn

Một điều không may là sau khi đã trở về “nhà”, chúng đẻ trứng rồi cuối cùng kiệt sức và kết thúc phần đời của mình. Số lượng trứng mới sinh ra sẽ nở ra những con cá hồi đỏ non và chúng sẽ lại tiếp tục hành trình ra biển. 

Những thông tin trên đây phần nào đã cho chúng ta biết thêm về một loài cá có sức mạnh phi thường. Dù trong quá trình di cư đầy gian khổ đó, những con cá hồi bắt buộc phải nhịn ăn do trứng và tinh trùng đã chèn hết bao tử của chúng và cả nhiều thử thách trên suốt hành trình trở về quê hương bao gồm cả các dòng nước dữ cùng nhiều kẻ săn mồi thì với khát vọng lớn lao được trở về nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng đã thôi thúc chúng tiếp tục sứ mệnh của mình. 

Nguyệt Hoa