Mùa nước nổi buồn ở phá Hạc Hải - Kỳ 1: Một thời ấm no
Mùa nước nổi, vùng đầm phá Hạc Hải (thuộc 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) mang lại vô số sản vật, đã từng nuôi sống biết bao người. Nhưng mùa nước nổi năm nay khác xa nhiều năm trước...
Hằng năm, cuối tháng 8, khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa tái sinh, cũng là khi mưa lớn bắt đầu. Nước lũ từ nguồn Kiến Giang đổ về tạo thành mùa nước nổi mênh mông; nông dân vùng phá Hạc Hải gác liềm, gác cày, tất bật sắm ngư cụ đánh bắt cá, tôm...
Phong phú sản vật
Với bao thế hệ nông dân vùng đầm phá Hạc Hải, mùa nước nổi là mùa “hái ra tiền”. Anh Trần Văn Tuấn (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) đã 20 năm theo cha đánh bắt cá trên đầm phá Hạc Hải, không quên thời “bao cấp”. Khi ấy đầm phá Hạc Hải vô vàn sản vật. Dưới nước, không kể xiết các loài tôm, cua, cá, rạm… Đặc biệt là con rạm Hạc Hải; mùa sinh sản, rạm kết thành những bè hàng chục mét vuông, rất “khủng”. Trên trời, vô số chim trích, diệc, vịt trời, le le… Ngày ấy, cha con Tuấn chỉ một vài lần quăng lưới đã phải gỡ cá mỏi tay. Bữa cơm hằng ngày của người làng ở đây, trong đó có gia đình Tuấn, phải độn khoai, sắn; và sản vật dồi dào của đầm phá Hạc Hải nuôi họ lớn lên.
Tuấn cho biết, nghề đánh bắt cá là nghề phụ nhưng đưa lại thu nhập chính cho phần lớn các gia đình ở đây. Xây nhà, mua sách vở, nộp học phí cho con…, đều nhờ những đồng tiền kiếm được trên phá Hạc Hải mùa nước nổi.
Mùa nước nổi, nông dân đua nhau đổ ra phá Hạc Hải đánh bắt cá tôm; đêm đêm thả lưới, rập, đơm nò, đáy… như ngư dân thực thụ. Bà Nguyễn Thị Toản (62 tuổi, xã Hồng Thủy), làm nghề thả nò đã hơn 10 năm, kể: Xưa, cá tôm đầy đồng, chỉ một đêm thả nò là sáng mai gánh từng rổ về, bán chừng nào hết chừng ấy, nhiều khi mới mang ra ngõ đã có người mua sạch; đêm kiếm vài trăm nghìn đồng là thường.
Ông Phạm Văn Tá (52 tuổi, xã Gia Ninh) làm nghề đóng đáy. Ông cho biết, đóng đáy vất vả và nhiều hiểm nguy hơn thả nò. Nghề đóng đáy buộc ông phải chọn cửa phá Hạc Hải chảy về sông Nhật Lệ làm nơi đóng đáy. Nơi được chọn đóng đáy thường là nơi nước chảy rất xiết, ngư phủ sơ sảy một chút cũng có thể mất mạng. Để đóng đáy, phải dùng những cọc lớn bằng cây tràm hoặc tre, đóng chừng 10m xuống đáy, theo hàng; khoảng cách mỗi khẩu đáy 3 - 5m, tùy khu vực nước êm hay dữ. Mỗi khẩu đáy đều có túi đựng thủy sản để thu hoạch nằm ở cuối. Như vậy, nước từ phá Hạc Hải trước khi đổ ra sông Nhật Lệ về Biển Đông, gặp những hàng cọc ngư dân chắn ngang, tạo thành dòng chảy, dẫn luồng cá di chuyển theo, chui vào túi qua khẩu đáy.
Những khẩu đáy này đã cùng vợ chồng ông Tá thức qua 30 mùa nước nổi, giúp đời sống gia đình ông ngày càng khá lên; 3 con đã tốt nghiệp đại học, một đang lớp 12…
Mùa nước nổi không về…
Người Quảng Bình có câu “Tháng 7 nước nhảy qua bờ”. Khi bắt đầu mưa lớn, nước tràn qua đê, ruộng, cũng là khi Hạc Hải vào mùa nước nổi. Năm nay, đã tháng 11 nhưng ở đây chưa có trận lũ nào đáng kể. Bên sườn núi, đường làng, hoa lau nở đầy, báo hiệu mùa mưa bão đã qua. Nông dân Quảng Bình mừng vì năm nay không bị bão lũ tàn phá nhà cửa, cây cối, hoa màu… Nhưng năm nay mưa lớn chỉ một lần (đầu tháng 9) rồi thôi, khiến nông dân nơm nớp lo vụ mùa sắp tới phải đối mặt hạn hán, khi các hồ chứa nước chưa được đong đầy…
Nước nổi không về, người đánh bắt cá còn lo hơn, bởi cá tôm càng hiếm. Cứ tưởng như mọi năm, năm nay vợ chồng Trần Quốc Long - Nguyễn Thị Lĩnh (xã Hồng Thủy) sắm mới ngư cụ gần 100 triệu đồng; nhưng đến giờ, mùa đánh bắt chính sắp qua, vẫn chưa có cơ hội dùng hết số ngư cụ đó. “Chưa năm mô như năm ni. Có phải do biến đổi khí hậu? Tui nghe đài báo nói nhưng không hiểu mấy…”- chị Lĩnh than.
Không thể ngồi chờ nước nổi về, vợ chồng Long Lĩnh vẫn chèo thuyền thả lưới trên phá Hạc Hải, nhưng kết quả không đáng kể.
Phá Hạc Hải là nơi nguồn cung cấp lượng thuỷ - hải sản dồi dào: tôm, cua, rạm gạch, các loại cá... Trước đây, mỗi năm vào mùa nước nổi, Hạc Hải đã mang lại kế sinh nhai cho hàng vạn nông dân trong vùng.