TIN THỦY SẢN

Mùa vắng những... chợ tôm

Người nuôi tôm chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi. BÀI VÀ ẢNH: NGỌC TÙNG

Theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và rào cản kỹ thuật từ một số quốc gia nhập khẩu đã khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tôm năm 2012 của cả nước chỉ đạt khoảng 2,25 tỉ USD, giảm 6,3% so năm 2011. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa lột tả hết diễn biến nội tại trong toàn chuỗi sản phẩm tôm Việt Nam qua một năm nhiều biến động.

Con tôm “ôm” thất vọng

Nhật Bản là thị trường lớn nhất, chiếm tới 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2012. Tuy nhiên, nước này giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong suốt nửa cuối năm qua, bởi lẽ, từ tháng 5.2012, những lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản bắt đầu phải qua kiểm soát dư lượng hoá chất (ethoxyquin). Quy định này khiến người nuôi tôm trong nước gặp khó khăn, bởi chỉ có tôm nuôi quảng canh (không cho ăn thức ăn công nghiệp) mới có thể đảm bảo không có mối liên hệ gì với ethoxyquin, nhưng sản lượng thu hoạch chỉ vài chục kg/ha/con nước. Liên quan đến việc kiểm tra ethoxyquin, tôm Việt Nam khi xuất khẩu còn bị đối tác ép giảm giá bình quân 22% so với trước thời điểm có quy định kiểm tra.

Bên cạnh đó, một số đối tác nhập khẩu chính cũng giảm sản lượng mua: Mỹ giảm 15,6%; EU giảm 24,8%; Canada giảm 14,1%... Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch VASEP, lo lắng: “Một số nhà nhập khẩu lớn của Mỹ nói rằng khách hàng của họ không mấy quan tâm đến sự khác biệt về chất lượng tôm từ các nhà cung cấp, mà họ chỉ quan tâm tới giá bán của nó”. Trong khi đó, tổng thư ký hội Thuỷ sản Cà Mau (CASEP) – ông Lý Văn Thuận, nói: “Sản phẩm tôm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ cao hơn từ 1 – 1,5 USD/kg so với tôm nguyên liệu nhập khẩu”. Chính vì vậy, theo ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT tập đoàn Minh Phú (Cà Mau), khi tham gia thị trường Nhật Bản; có thời điểm giá tôm Việt Nam là 11,2 USD/kg, cùng lúc đó, giá tôm Ấn Độ cùng loại, cùng thị trường chỉ bán 8,6 USD/kg.

Theo VASEP, có khoảng 300 doanh nghiệp từng tham gia xuất khẩu tôm, mặt hàng chiếm 36 – 38% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, nhưng đến nay, đã có 30% doanh nghiệp ngừng hoạt động do thị trường thu hẹp dần, thiếu vốn, giá nguyên liệu tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, 70% doanh nghiệp còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 40 – 50% công suất.

Mất trắng 7.600 tỉ đồng trong một năm

Trong năm 2012, đã có 100.766ha tôm nuôi bị bệnh và chết. Nếu theo cách tính của tổng cục Thuỷ sản (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tổng thiệt hại cho người nuôi khoảng hơn 7.600 tỉ đồng. Các loại bệnh tôm như: đốm trắng, đầu vàng… đã được xác định, riêng hội chứng tôm chết sớm với dấu hiệu hoại tử gan, tuỵ thì sau nhiều lần hội chẩn, hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng mới chỉ khoanh vùng, đặt nghi vấn mà chưa thể xác định chính xác.Theo VASEP, năm qua, chuyện tôm chết thành dịch cho đến nay vẫn là “bí ẩn”. Đành rằng, xác định nguyên nhân gây dịch bệnh là vấn đề sống còn hiện nay đối với ngành tôm, nhưng người nuôi tôm ít vốn; thiếu nhân lực, kiến thức, phương tiện… chỉ còn biết trông chờ vào Nhà nước và những nhà chuyên môn.

“Đại gia” Lê Tấn Siêng, chuyên nuôi tôm sú công nghiệp ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) với hơn 30ha, đành chịu thua dịch bệnh đối với tôm sú, mặc dù ông đã chuyển sang nuôi tôm thẻ để giảm nguy cơ dịch bệnh. “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở tỉnh Bạc Liêu, dù thành công với mô hình nuôi tôm sú mật độ thưa, năm ngoái cũng mất hơn nửa tỉ đồng vì tôm chết. Ông Phạm Văn Quắn, người nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang – Trà Vinh) ví von: “Nuôi tôm bây giờ phải đi mua thuốc con nít về chữa bệnh cho người lớn! Tôm chết theo những diễn biến mới, mà cứ phải chạy thuốc theo kiểu những bệnh thường”.

Ở tỉnh Bến Tre, kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi thuỷ sản nói chung và con tôm biển nói riêng, chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống kênh mương cấp, thoát nước ngay cả ở những vùng sản xuất tập trung. Do đó, môi trường nước trên các tuyến sông lớn cũng bị nhiễm khuẩn. Ông Nguyễn Văn Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, than: “Cái mà người nuôi tôm cần nhất trong năm qua là các nhà chuyên môn định ra bệnh và có hướng phòng trị chuẩn xác, nhưng đến nay vẫn chưa có. Như vậy, bao nhiêu tiền của đổ xuống vuông nuôi tôm, cuối cùng phải xổ bỏ và mầm bệnh tiếp tục lây lan ra diện rộng”.

Tương lai mờ mịt

Trước thực tế ngổn ngang từ nguồn cung nguyên liệu đến thị trường xuất khẩu, những dự báo của VASEP về tương lai của con tôm trong năm nay vẫn chưa mấy sáng sủa. Trong điều kiện “lý tưởng”, nếu những thách thức về dịch bệnh, rào cản ethoxyquin được tháo gỡ, ngăn chặn được tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nguyên liệu… các yếu tố, giá cả, thị trường xuất khẩu không thay đổi, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ tương đương năm 2011, tăng hơn 6% so với năm 2012. Nhưng nếu lần lượt đảo ngược các yếu tố đầu vào, người nuôi sẽ tiếp tục gặp khó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng dù giá tăng cao.

Để giải quyết vấn nạn này, giá trị nhập khẩu tôm nguyên liệu dự báo sẽ lên tới trên 200 triệu USD trong năm nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ tương đương năm 2012. Trong tình huống xấu hơn, những rào cản thương mại, chính sách thuế nhập khẩu của các quốc gia tiếp tục gia tăng… giá xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, tạo điều kiện tốt cho đối thủ cạnh tranh. Nếu như vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục giảm so với năm 2012.

Thực tế gần nhất, xuất khẩu tôm ở tỉnh Cà Mau năm 2012 tiếp tục giảm 2% so năm trước. Ông Lý Văn Thuận, nêu nghịch lý: “Ở vùng nguyên liệu lớn như Cà Mau, năm ngoái các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải nhập 7.000 tấn tôm nguyên liệu và khi tôm nhập khẩu tính cả các khoản chi phí vận chuyển, thuế… vẫn rẻ hơn nguyên liệu trong nước từ 30.000 – 50.000 đồng/kg”. Theo ông Thuận, thực tế này sẽ có lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhưng lại bóp nghẹt nghề nuôi trong nước. “Chi phí đầu vào luôn ở mức cao, dịch bệnh tàn phá, năng suất thấp… khiến giá thành tôm nguyên liệu không thể thấp hơn”, ông Thuận lý giải. Thị phần của doanh nghiệp tôm Việt Nam tiếp tục rơi vào tay các doanh nghiệp: Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador… nếu chúng ta không có những biện pháp khẩn cấp để giải cứu vùng nuôi tôm”, ông Thuận phân tích.

Theo ông Thuận, Việt Nam luôn có vị thế toàn cầu về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cá tra, tôm… nhưng những người trực tiếp làm ra nguồn nguyên liệu luôn gặp khốn đốn, bị lỗ lã, thậm chí bị phá sản. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, trong lúc khó khăn, họ vẫn phải chắp vá để tồn tại và nuôi sống hơn 1,5 triệu lao động thuộc ngành mình. Lúc này chính là lúc những nhà kinh tế lĩnh vực ngoại thương phải hỗ trợ, tìm kế giảm bớt nguy cơ thất nghiệp của đội ngũ công nhân.

BÀI VÀ ẢNH: NGỌC TÙNG http://sgtt.vn