TIN THỦY SẢN

Mức thuế chống trợ cấp khó có thể gây rối loạn trên thị trường tôm

Đã hé lộ một vài dự đoán về mức thuế chống trợ cấp (CVD) tôm.

Thái Lan, nhà xuất khẩu tôm lớn nhất sang thị trường Mỹ, có khả năng sẽ bị áp thuế CVD 2% - mức thuế gần như không gây bất cứ tác động nào trên thị trường.

Ấn Độ có thể sẽ phải chịu mức thuế sơ bộ 7%. Đây là mức thuế suất có thể khiến cho việc đấu tranh đòi giảm thuế chống bán phá giá xuống dưới 10% của phía Ấn Độ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Một số công ty ở hai quốc gia này có thể sẽ chịu mức thuế riêng rẽ thấp hơn.

Trung Quốc và nhiều khả năng là Malaixia sẽ phải chịu mức thuế CVD sơ bộ cao. Mặc dù điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng sẽ không dễ dàng đối với thị trường Mỹ.

Thay vào đó, khi nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh như hiện nay, người bán có không ít cơ hội để thâm nhập vào các thị trường có nhiều thuận lợi hơn Mỹ. Thực tế, về lâu dài, tác động lớn nhất của CVD sẽ không phải là khiến cho các nước và các công ty xuất khẩu sang Mỹ phải trả thuế cao hơn, mà ngược lại, nó có tác động làm mất dần vai trò hàng đầu của khách hàng Mỹ trên thị trường quốc tế. Khi đó, Trung Quốc, Trung Đông và thậm chí Châu Âu sẽ trở thành những thị trường hấp dẫn hơn và chiếm thị phần lớn hơn trong tổng sản lượng toàn cầu. Mức tiêu thụ bình quân trên đầu người của Mỹ đạt mức cao nhất 4,2 pao/người vào năm 2011, sau đó giảm vào năm 2012 và có thể sẽ giảm mạnh xuống dưới 4 pao/người vào năm 2013.

Trước tình hình này, các luật sư đại diện cho các nhà chế biến tôm Mỹ cũng khó có thể đàm phán kí kết thỏa thuận riêng rẽ với các nước bị áp thuế CVD cao, bởi lẽ các “nạn nhân mục tiêu” của Mỹ không thiếu cơ hội xuất khẩu sang các thị trường ít rào cản hơn.

Êcuađo có thể chỉ bị áp mức thuế CVD ở mức tối thiểu (không vượt quá 2%). Mức thuế chống trợ cấp đối với Inđônêxia và Việt Nam cũng có khả năng ở mức 1 chữ số.

Vấn đề được nhiều nhà nhập khẩu quan tâm là liệu có quyết định thuế CVD nào mang tính hồi tố không. Điều này có thể xảy ra nếu có yêu cầu xem xét các trường hợp khẩn cấp. Trên thực tế, các nhà chế biến tôm Mỹ chưa từng đưa ra yêu cầu này, chủ yếu là vì họ phải đưa ra bằng chững về việc khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh trong giai đoạn trước khi nộp đơn kiện. Thế nhưng, lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay lại giảm gần 10% so với cùng kì năm ngoái, cho thấy sự thận trọng khi mua hàng trong điều kiện giá tôm đã tăng tới 16% kể từ đầu tháng 1.

Thêm vào đó, cũng cần phải có cơ sở khi viện dẫn các trường hợp khẩn cấp của từng doanh nghiệp.

Sắp tới, việc trì hoãn sản xuất tôm trong vụ đầu ở Đông Nam Á sẽ kết thúc. Sản lượng tôm đưa ra thị trường sẽ tăng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Do đó, nhiều khách hàng đang tạm ngừng giao dịch, hi vọng giá sẽ tốt hơn trong thời gian tới, còn một số khách hàng khác đang chờ đợi những diễn biến cụ thể về thuế CVD.

Điều đó có nghĩa là thị trường đang suy giảm lại phải gánh thêm chi phí phát sinh từ thuế CVD, và như vậy, các nhà sản xuất khó có thể bù đắp được chi phí dù giá bán cao hơn, còn khách hàng sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc đề nghị giảm giá.  

Mặt khác, nhiều khách hàng đã thiết lập quan hệ lâu dài với các nhà sản xuất ở một số nước cụ thể, các nhà sản xuất này có khả năng đáp ứng các chi tiết kĩ thuật sản phẩm và giá thành. Các mối quan hệ này không thể thay đổi nhanh chóng, do đó, các bên đối tác phải quyết định mỗi bên sẽ gánh chịu chi phí do thuế CVD là bao nhiêu. 

Seafoodnews