Mục tiêu quan trọng nhất của ngành thủy sản là tái cơ cấu
Doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản cần tái cơ cấu toàn diện mới mong phát triển được trong tình hình kinh tế khó khăn là nhận định nhận được nhiều tán đồng tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Nhận diện các khó khăn của DN thủy sản, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho biết, thiếu vốn sản xuất, nợ tồn đọng lớn, thiếu nguyên liệu, DN và người nuôi phá sản, dịch bệnh ở tôm, thị trường xuất khẩu bất ổn... Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất của ngành thủy sản Việt Nam năm nay không phải là đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD, mà chính là tái cơ cấu, trong đó phải chấp nhận loại bỏ các DN yếu kém. Theo ông Hải, mục tiêu phải theo đuổi giờ đây là phát triển bền vững và những yếu kém cần được giải quyết, nhằm gia tăng sức khỏe của ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, nếu tái cấu trúc, con số 800 DN xuất khẩu thủy sản của năm ngoái chỉ còn 400, thì cũng là điều đáng mừng.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, cuộc “đại phẫu thuật” này sẽ loại bớt những DN cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá bán, làm ăn chụp giật theo kiểu thời vụ. “Năm ngoái, Việt Nam có khoảng 800 DN thủy sản, nhưng con số thống kê hiện nay là gần 480. Số còn lại này cũng chỉ hoạt động cầm chừng, vì không đủ vốn sản xuất và thiếu nguyên liệu. Nhiều nông dân nuôi cá tra đã ngưng nuôi, còn tôm thì dịch bệnh hoành hành”, ông Biên cho biết.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, thiếu hụt nguồn thanh toán đã khiến hàng loạt nông dân bỏ ao nuôi cá tra; sự thiếu nghiêm ngặt trong việc quản lý con giống, quản lý thuốc và các vấn đề liên quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng chất lượng sản phẩm thủy sản hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, trước hết, cần phải đặt ra một chương trình dài hạn không chỉ áp dụng các biện pháp về kỹ thuật, mà còn phải ứng dụng những biện pháp về kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía các ngân hàng đối với DN. Ngân hàng cần giúp DN phân tích hiệu quả vốn vay, cũng như quản trị được nguồn vốn vay.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt của VASEP, nói thẳng rằng: “Nhiều DN cá tra đã chết. Doanh số xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt 1,8 tỷ USD, nhưng năm nay thì đừng mơ con số đó”.
Ông Minh cũng cho rằng, con số 200 DN xuất khẩu cá tra trước đây giờ chỉ còn khoảng 100 là điều tất yếu và chắc chắn còn giảm nữa. Theo ông, nếu còn lại 50 DN, thì ngành cá tra sẽ ổn định hơn và quản lý sẽ được tốt hơn.
Ông Trần Phú Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, VDB đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành cá tra. VDB đề xuất được gia hạn các khoản vay xuất khẩu đối với các doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn tạm thời về tài chính, thời gian gia hạn nợ tối đa 2 năm. VDB cũng xin phép cho các DN vay vốn để tự phát triển vùng nuôi, chủ động khâu nguyên liệu và thu hồi dần vốn cho vay theo từng hợp đồng xuất khẩu. Đối với một số DN xuất khẩu có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động, VDB đề nghị các cơ quan liên quan và VASEP có biện pháp hỗ trợ DN cơ cấu lại sản xuất, tài chính, quản trị và tổ chức hoạt động.