TIN THỦY SẢN

Muốn vào Ba Lan, hàng Việt phải đạt chất lượng EU

Thủy sản là một trong những mặt hàng rất được thị trường Ba Lan ưa chuộng. hà anh

Để tận dụng lợi thế đến từ nhu cầu hàng hóa lớn và những hiệp định thương mại sắp được thông qua, chất lượng là yếu tố hàng đầu “dẫn đường” cho hàng hóa Việt Nam vào Ba Lan.

Là thị trường lớn thứ sáu trong khối EU, Ba Lan hiện có khoảng 30 - 40 nghìn người Việt đang sinh sống, ngoài ra có hàng chục nghìn người Trung Quốc, người từ các nước châu Á khác nên nhu cầu tiêu dùng hàng từ châu Á nói chung, từ Việt Nam khá lớn.

Từ hơn nửa thế kỷ nay, nhờ quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc nên hàng hóa từ Việt Nam rất phổ biến và quen thuộc với người Ba Lan. từ lương thực, thực phẩm, thủy sản, rau, trái cây tới đồ khô, gia vị… và nhiều hàng tiêu dùng khác.

Ông Nguyễn Đức Thanh – Tham tán Thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho biết, cần phân nhóm hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam nói chung làm hai nhóm.

Nhóm hàng chất lượng cao của các doanh nghiệp (DN) lớn (gồm DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất lắp ráp tại Việt Nam và DN lớn của Việt Nam) với chất lượng mẫu mã cơ bản đã đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của các kênh phân phối xuất nhập khẩu tiêu dùng ra thế giới vào EU nói chung Ba Lan nói riêng tương đối ổn định.

Nhóm thứ hai của các DN nhỏ và vừa (kể cả của đầu tư nước ngoài) có nhiều vấn đề hơn, chất lượng chưa ổn định, bao bì mẫu mã chưa thật chuẩn, khả năng giao hàng, đáp ứng các điều kiện thương mại vận tải chưa hoàn toàn kịp thời, đầy đủ…là hạn chế khi vào thị trường Ba Lan.

Ngoài ra, giá cả sản phẩm cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng với nhà nhập khẩu Ba Lan vì họ luôn so sánh với hàng tương tự từ các nước khác.

Đặc biệt, Ba Lan có đặc điểm là nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh và tuy là nền kinh tế lớn thứ 6 của EU nhưng mức thu nhập GDP theo đầu người của Ba Lan thấp hơn các nước thành viên EU cũ.

Đặc điểm này dẫn đến yêu cầu chất lượng hàng hóa của thị trường Ba Lan không quá cao. Tuy nhiên không vì thế mà DN có thể làm ăn tùy tiện bởi thị hiếu của người Ba Lan đang ngày càng tinh hơn đối với tất cả các chủng loại hàng tiêu dùng.

Để tăng cơ hội cho hàng Việt, các DN nên đầu tư nhiều hơn cho thương hiệu và quảng bá thương hiệu cũng như nghiên cứu thị trường. Riêng với thị trường Ba Lan, DN cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng. Đặc biệt, DN phải chú ý chất lượng, sau đó mới là giá cả.

Hàng hóa vào Ba Lan phải đạt yêu cầu chất lượng của EU. Riêng với lương thực, thực phẩm, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm phải được coi trọng. Ngoài ra, người tiêu dùng Ba Lan còn quan tâm yếu tố sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ người lao động, kiểm soát các chất nguy hiểm có trong sản phẩm…

Một điểm thuận lợi khác mà không nhiều thị trường có được là ở Ba Lan hiện có khoảng 70 hội đoàn của người Việt. Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan đã làm việc với một số DN của người Việt có Trung tâm Thương mại với những showroom cho thuê và các DN này sẵn sàng hợp tác, dành các diện tích với điều kiện ưu đãi cho DN từ Việt Nam sang giới thiệu, trưng bày và phân phối hàng hóa lâu dài, trực tiếp cho các đại lý cấp một và các nhà bán lẻ Ba Lan.

“Đây là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các DN Việt Nam muốn phát triển ở thị trường 40 triệu dân và là điểm trung chuyển mạnh cho các nước trong bán kính 500 km với 300 triệu người của các nước EU cũ như Đức, các nước EU mới như CH Séc, Hungary, Slovakia, ba nước Baltic, các nước SNG như Ukraine, Belarus…” – ông Thanh khẳng định.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Viêt Nam - EU đang được đàm phán tích cực cũng được kỳ vọng sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU nói chung và Ba Lan nói riêng. Các DN cần theo dõi tiến trình này và chuẩn bị tốt hơn cho cơ hội kinh doanh đang đến.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tháng 6-2013, xuất khẩu sang Ba Lan đạt 27 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ; Tính chung sáu tháng, xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này đạt 163 triệu USD.

hà anh Báo Nhân Dân