Mưu sinh mùa lũ
Vùng đầu nguồn An Giang mùa này nước lũ đã ngập trắng đồng. Các ngư dân đang đua nhau thả lưới, giăng câu để khai thác cá, tôm.
Chờ con nước
Từ lâu, đặt đú (dớn) đã trở thành nghề kiếm sống của cư dân đầu nguồn xã Phú Lộc (TX.Tân Châu) vào mùa lũ. Ngoài đồng xa, người dân đang chọn luồng đặt đú để hứng cá linh non đầu mùa. Đứng trên cầu Kênh Năm Xã nhìn về đồng lũ, ông Trần Văn Tú (68 tuổi) cho biết năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 7 âm lịch là cả nhà ông chuẩn bị may, vá lưới. Đợi con nước lũ vừa nhảy khỏi bờ là đem ra đánh cá, tôm. “Theo kinh nghiệm 20 năm trong nghề đặt đú, con nước lũ năm nay có thể xấp xỉ so với năm ngoái. Mấy bữa nay, 2 luồng đú của tôi (mỗi luồng dài hơn 300 m) thu hoạch được hơn 20 kg cá các loại. Nếu cá linh còn sống, bạn hàng cân với giá 30.000 đồng/kg; còn cá cá chốt, cá sặc, cá rô có giá 40.000 đồng/kg. Nhờ có lũ mà hàng trăm hộ nghèo tại đây có công ăn chuyện làm và kiếm thêm thu nhập”, ông Tú nói.
Chúng tôi theo chân ông Lê Văn Siếu (58 tuổi, ngụ xã An Nông, H.Tịnh Biên) đi thăm đú. Tính đến mùa lũ năm nay, ông Siếu đã theo nghề đặt đú gần 15 năm. Chiều xuống, gió thổi ràn rạt, chiếc ghe tam bản đuôi tôm rẽ sóng tiến về phía trước, cha con ông Siếu đưa chúng tôi lên cánh đồng giáp biên giới giữa xã An Phú (H.Tịnh Biên) và xã Kom Nop (H.Kirivong, tỉnh Ta Keo, Campuchia). Ông Siếu nói: “Bước sang tháng 8, lũ có thể sẽ ngập trắng đồng. Hôm qua, luồng đú của tôi chạy toàn cá linh, cá thiểu, lát nữa, cha con tôi đổ đú kiếm mớ cá linh về đãi chú em món cá linh nhúng giấm ăn với bông điên điển”.
Thu nhập bấp bênh
Trải qua không biết bao nhiêu mùa lũ lớn nhỏ, nên ông Siếu thấu hiểu hết những thăng trầm, trắc trở của nghề. Đánh bắt cá có năm trúng năm thất, nhiều khi làm hết mùa lũ rồi nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Ông Siếu trầm ngâm: “Làm nghề này mấy ai giàu có. Hễ đến mùa lũ, cha con tôi đem tiền lên cánh đồng ven biên thuê mặt nước đánh bắt cá. Được năm lũ lớn, chỉ vài con nước là lấy lại vốn. Còn năm nào lũ nhỏ, cá chạy ít thì bị lỗ cụt vốn. Năm nay, tôi với 5 thằng con trai, con rể hùn vốn thuê đường ven dài gần 2 km, với giá 150 triệu đồng”.
Ở đầu nguồn H.An Phú, nhiều ngư dân cũng đã xuống đáy trên sông. Chị Trần Thị Bé Bảy (48 tuổi) vừa trúng thầu luồng đáy thứ 2 tại khúc sông Dung Thăng (xã Vĩnh Hội Đông), cho biết mỗi ngày, giàn đáy của chị hứng dính hơn 30 kg cá linh. Cái “nghề bà cậu” này đã theo gia đình chị ngót 50 năm, từ ông nội truyền lại cho cha, rồi đến đời chị. Lấy chồng từ năm 17 tuổi, chị Bé Bảy cùng chồng theo nghề đóng đáy trên sông đến hôm nay. “Hằng năm đặt trúng nhất là vào khoảng tháng 9 kéo dài cho đến tết. Lúc này, dính toàn cá, tôm lớn, bán mới có giá và mau lấy lại vốn”, chị Bé Bảy nói.
Nước lũ ngập trắng đồng - Ảnh: Phương Nam
Chỉ cần nhìn màu xanh pha nâu của nước lũ trên đồng, chị Bé Bảy đã dự đoán năm nay cá, tôm, cua… sinh sôi nhiều; còn màu nước đục ngầu sẽ không bằng. Chị cho biết năm 2004, màu nước lũ cũng tương tự như vầy, cá chạy trúng lớn. Dứt mùa đóng đáy năm đó, gia đình chị thu nhập được một khoản kha khá. Song qua các năm, sản lượng cá giảm dần, việc khai thác gặp khó khăn hơn. “Năm 2006, cá chạy ít, tôi lỗ gần 20 triệu đồng. Còn năm ngoái tuy lũ nhỏ, nhưng tôi kiếm vẫn được vài chục triệu đồng. Năm nay trúng thầu luồng đáy nhì, dù giá cao hơn, tôi phải làm liều đóng tiền khai thác. Mình không đấu thì người khác cũng đấu. Mùa nước nổi chỉ nhờ vào đánh bắt cá, tôm. Nếu không làm lấy gì mà sống”, chị Bé Bảy tâm sự.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn An Giang, dự báo trong những ngày tới lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường biển Đông và biển Tây làm cho mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh với cường suất 10 - 15 cm/ngày. Mực nước tại Tân Châu có thể ở mức từ 2,85 - 3 m, tại Khánh An (H.An Phú) là 3,30 - 3,50 m; tại Châu Đốc là 2,75 - 2,90 m. Riêng, mực nước tại hạ nguồn H.Chợ Mới sẽ là 1,75 - 1,90 m, còn tại TP.Long Xuyên từ 1,75 - 1,85 m.