TIN THỦY SẢN

Mưu sinh trên hồ Phước Hòa

Chài lưới, bắt cá dưới chân đập thủy lợi Phước Hòa- ảnh Thống Nhất. thống nhất

Công trình thủy lợi hồ Phước Hòa giáp ranh giữa Bình Dương và Bình Phước, có nhiệm vụ điều tiết, dẫn nước từ con Sông Bé về hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011 đến nay đã thu hút nhiều người dân đến mưu sinh…

Thả lưới đầy sông

Hơn 5 giờ chiều, chúng tôi đến hồ Phước Hòa. Trời nhá nhem tối nhưng bên trên con đập vẫn còn rất đông người đứng thả mồi câu cá dưới lòng hồ. Đi dọc bờ sông đoạn phía dưới con đập, hàng chục chiếc ghe, xuồng của dân làm nghề chài lưới vẫn đang neo đậu, chờ gỡ cá. Những chiếc phao từ các tấm lưới của ngư dân thả dày đặc, nổi trắng cả một khúc sông. Ngồi trên xuồng cặp bờ sông, chị Nguyễn Thị Liễu (ngụ xã An Linh, H.Phú Giáo, Bình Dương) than thở: “Năm nay làm ăn kém quá. Suốt từ sáng tới giờ chỉ được mấy con cá nhỏ xíu”. Chị Liễu cho biết thêm, bây giờ đang là mùa nước lớn, vào thời điểm này mấy năm trước đây người làm nghề cá trên đoạn sông này thường trúng cá. Tuy nhiên, kể từ 2 năm trở lại đây, lượng cá sông ngày càng ít ỏi.

Anh Võ Văn Lắm cũng ở xã An Linh (H.Phú Giáo) đang chèo xuồng tới nghe câu chuyện bèn nói thêm: năm 2011, khi con đập mới hoàn thành, lượng cá sông nơi đây rất nhiều nên mỗi ngày anh bắt được hàng chục kg cá. Ngoài ra, trước đây trên đoạn sông này còn có nhiều cá lăng, cá trèn và đặc biệt là có những con cá mè sông đánh bắt được lên đến hàng chục kg. “Bây giờ, cá khan hiếm rồi. Có ngày chúng tôi gỡ lưới đến 5-6 lần mà chỉ được vài con cá, không đủ tiền mua dầu chạy máy”-anh Lắm bộc bạch.

Cá tôm cạn kiệt

Đến một căn chòi cất tạm bên bờ con sông Bé, thuộc  xã Minh Thành, H.Chơn Thành (Bình Phước), cách đập thủy lợi hồ Phước Hòa chỉ vài trăm mét, chúng tôi gặp anh em nhà ông Trần Văn Dũng (53 tuổi) và Trần Văn Của (45 tuổi, ngụ xã An Linh, H.Phú Giáo, Bình Dương) đang ngồi ngóng ra sông để canh chừng lưới. Ông Dũng cho biết, làm nghề chài lưới ở ngay dưới chân con đập thủy lợi khá lớn này, bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ nghe báo khi nào đập chuẩn bị xả nước là phải lội xuống cuốn lưới lên, nếu không thì lưới sẽ bị nước cuốn đi hết. Khi được hỏi về thu nhập hiện tại từ nghề chài lưới, ông Dũng buồn bã cho hay, từ đầu tháng 7 tới nay, 2 anh em ông chỉ thu được khoảng 500.000 đồng từ tiền bán cá. “Hồi trước, khi con đập mới hoàn thành, mỗi ngày tôi bắt được cá tạ cá, bán ra được tới vài triệu đồng. Vậy mà bây giờ, ngày nào may mắn lắm chỉ được vài kg. Cá tôm trên sông bây giờ cạn kiệt rồi”.

Ông Dũng kể, do làm nghề đánh cá trên sông nhiều năm nên ông chứng kiến, mấy năm gần đây cứ vào mùa khô, khi lượng nước sông rút xuống thì người ta bỏ thuốc cho cá chết hàng loạt. Ông Trần Văn Của nói: “Sống bằng nghề cá, nhìn thấy cảnh tôm cá bị tận diệt như vậy, tôi rất xót xa. Nếu người dân mình cứ bắt cá theo kiểu như vậy, chẳng bao lâu nữa sông suối sẽ chẳng còn con cá con tôm nào. Chắc nay mai, người làm nghề cá như anh em tôi cũng đành giã từ chài lưới để lên bờ vì nghề này không còn đủ sống nữa”.


Những con cá to như thế này được bày bán ven đường không còn nhiều ở đập thủy lợi Phước Hòa- Thống Nhất

thống nhất Báo Thanh Niên