TIN THỦY SẢN

Mưu sinh trong mùa lũ

Công việc hái ấu, hái sen thuê giúp nhiều người nghèo có thêm thu nhập. Bài, ảnh: NGUYÊN ĐĂNG

Khi nước lũ bắt đầu nhóng lên cũng là lúc người dân ở các vùng quê tạm chuyển sang những nghề làm ăn theo con nước

Xuôi theo những cánh đồng mênh mông nước hoặc dọc theo các bờ kênh, bông điên điển trở thành dấu hiệu báo mùa nước nổi đã về. Không chỉ vậy, điên điển còn đặc biệt gắn bó với những người nghèo miền quê và nuôi sống họ trong suốt mùa lũ. Nghề hái bông điên điển ít nhất cũng cho thu nhập từ vài chục đến trăm ngàn mỗi ngày. Khi nhu cầu ăn điên điển của mọi người ngày càng tăng lên, người ta bắt đầu trồng loại cây này xung quanh nhà, ngoài đồng trống để thu hoạch bông được nhiều hơn. Điên điển tuy sinh trưởng dễ nhưng khi thu hoạch lại khá nhọc công. Bà Nguyễn Thị Lan (Bình Long, Châu Phú) chia sẻ: “Người ta phải chèo xuồng, rọi đèn ra đồng giấc 10 giờ khuya để hái bông, đồng nào bông trổ ít thì về sớm, còn được nhiều thì phải chịu khó thức trắng đêm để sáng kịp đem ra chợ bán. Điên điển còn nguyên nụ được đóng gói, giữ lạnh chuyển xuống Long Xuyên tiêu thụ. Mỗi ký bông bán lại cho chủ vựa khoảng 20 đến 25 ngàn đồng. Ai hái giỏi, mỗi đêm có thể thu nhập từ trăm đến trăm rưỡi ngàn”. Sau khi “tuyển”, điên điển búp và nở được chừa lại bán trong chợ địa phương. Tuy nhiên, loại này cũng không lo bị ế. Người bán cẩn thận tuốt từng bông để riêng ra cái thau nhỏ, làm nổi bật lên màu vàng ngọt ngào. Các chị, các mẹ đi chợ mua về ăn liền càng tiện hơn. Bên cạnh điên điển, hái sen, hái ấu thuê cũng giúp nhiều người có thêm nguồn thu lý tưởng trong ngày. 6 giờ sáng, ngoài những ruộng sen còn mờ sương đã rộn rã tiếng nói cười. Tiền công không tính theo ký mà được chủ trả bằng giờ, mỗi giờ 10.000 đồng/người. Chị Trần Thị Út cùng “đội” làm thuê từ xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) đi khắp các xã lân cận nhận thu hoạch thủy sinh xởi lởi: “Từ sáng sớm tới 2 giờ chiều, tụi tôi chia nhau đi thu hoạch gương sen hoặc hái ấu, rau nhút, nửa buổi còn lại về nhà nghỉ ngơi, đêm xuống theo người ta đi kiếm bông điên điển, hái rau muống đồng. Nhờ có mùa nước, tụi tôi cũng kiếm được thêm khoản thu nhập kha khá để lo bữa ăn cho gia đình”.

Cù lao ấp Hiệp Hưng (xã Hiệp Xương, Phú Tân) lâu nay còn được nhiều người gọi là xóm cá vì nơi đây có rất nhiều hộ nghèo dựa vào mùa nước sống bằng nghề bắt cá, tôm. Trước đây, khi sản lượng cá tự nhiên còn nhiều, nhà nhà đều đan lọp để bắt cá lóc, cá rô phi. Nay cá ngày càng ít đi, nhiều người đã chuyển sang trồng rau muống, rau nhút, đặt dớn trong các cánh đồng nhỏ để bắt cá linh. Ông La Văn Quyện, năm nay đã ở tuổi 60 nhưng vẫn cặm cụi mưu sinh, vì con cái đều lần lượt đi khắp nơi kiếm sống. Ông Quyện đành nương nhờ chiếc xuồng nhỏ, ngày ngày ra đồng kiếm vài mớ rau và cá linh đổi lấy bữa cơm. Ông cho biết, xóm này cứ 10 nhà thì hết 5 nhà không có đất sản xuất, quanh năm làm thuê đủ nghề. Hết mùa lúa, người ta lại dắt díu ra đồng mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán. Có nhà còn dắt díu nhau đi tận vùng Long An suốt mấy tháng nước lên để đặt lọp bắt cá. Năm nay con nước lên trễ, nhiều nhà vẫn còn để nguyên đống lọp dưới sàn nhà. Ông Quyện cũng sốt ruột, ngày nào kéo đú lên được độ một ký cá là mừng lắm rồi.

Nhờ nước dẫn vào đồng, người dân có thể trồng điên điển, đặt dớn để mưu sinh.

Mùa nước tràn về, nhiều người dân còn chuẩn bị đủ thứ dụng cụ để bắt ếch đồng. Bắt ếch dễ nhất là vào ban đêm, sau những cơn mưa lớn, chịu khó cầm đèn pin rọi theo ven kênh, theo dõi dấu chân ếch để biết chỗ ẩn nấp. Ngoài cách câu, soi ếch thông thường, mùa nước về ếch di tản vào lùm bụi, dưới mương có nhiều lục bình, bèo nên người ta còn bắt ếch dễ hơn bằng cách dùng lọp, bên trong để mồi cua ốc hoặc cá vụn nhử ếch vào ăn. Cũng nhờ việc đi bắt ếch, mỗi đêm anh Nguyễn Văn Cường (xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên) kiếm thêm từ 60 đến 80 ngàn đồng cho gia đình. Anh cho biết, với những người đặt lọp ếch chuyên nghiệp, với vài ba chục cái lọp có thể thu về vài ký ếch/đêm là chuyện thường.

Mỗi năm có một mùa nước lên, người nghèo khắp nơi lại được dịp săn tìm “lộc” của thiên nhiên ban tặng làm kế sinh nhai cải thiện thêm cho đời sống. Tuy có vất vả nhưng so với việc làm thuê làm mướn theo mùa thì đây là dịp làm ăn nhộn nhịp và sôi động hơn bao giờ hết.

Bài, ảnh: NGUYÊN ĐĂNG Báo An Giang