TIN THỦY SẢN

Mỹ áp thuế chống trợ cấp tôm với Việt Nam

Tôm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu thuế 4,52% theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố áp đặt thuế đối với tôm nhập khẩu từ năm quốc gia. Quyết định này sẽ áp dụng với khoảng 2 tỷ USD tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ nói họ phát hiện các nước này đã trợ cấp cho các nhà sản xuất tôm của nước họ.

Một nhóm đại diện cho những người đánh bắt và chế biến tôm tại vài bang của Mỹ, gần khu vực Vịnh Mexico, đã đệ đơn yêu cầu giảm nhập khẩu.

Theo quyết định này, Malaysia phải chịu thuế với mức 54,5% trong khi mức thấp nhất áp dụng cho Việt nam, mà cụ thể là 7,88% đối với Công ty Thủy sản Minh Qui, 1,15% với Công ty Thủy sản Nha Trang, trong khi mức thuế chung cho tất cả các công ty khác của Việt Nam là 4,52%.

Ba nước khác là Trung Quốc chịu mức thuế 18,2%, Ấn Độ 11,1%, và Ecuador 13,5%.

"Chúng tôi đánh giá cao trước những con số mạnh tay này từ Bộ Thương mại," ông David Veal, Giám đốc điều hành Liên minh ngành công nghiệp tôm - tổ chức đã đệ đơn khiếu nại, phát biểu trong một tuyên bố.

Thái Lan và Indonesia được miễn thuế nhập khẩu này.

Tuy nhiên quyết định này cần phải được một cơ quan khác của chính phủ Mỹ phê chuẩn - Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) - trước khi các thuế này có hiệu lực.

ITC sẽ xem xét liệu các nhà sản xuất Mỹ có bị đe dọa vì nhập khẩu hay không và sẽ có quyết định, dự kiến công bố vào ngày 26/9.

Nếu ITC xác nhận doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vật chất do trợ cấp của Chính phủ Việt Nam thì khi đó Bộ Thương mại Mỹ sẽ ban hành lệnh về thuế chống trợ cấp, dự kiến sẽ công bố ngày 03/10/2013.

"Quyết định vô lý"

Trước quyết định cuối cùng về thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, VASEP - Hiệp hội các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nhập khẩu Việt Nam đã lên tiếng phản đối.

Trong Thông cáo báo chí đăng trên trang mạng của mình, VASEP gọi đây là "quyết định vô lý của DOC".

"Quyết định áp thuế CVD là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt nam trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua," thông cáo viết.

Theo VASEP việc đánh thuế chống phá giá này là quyết định không công bằng và "gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600 ngàn nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam".

VASEP lập luận: "Không chỉ ngành tôm của Việt Nam và các nước khác chịu thuế CVD này bị ảnh hưởng nặng nề mà chính người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ chịu tác động trực tiếp. Họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ."

Theo số liệu của VASEP, tôm nhập khẩu chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Hoa Kỳ.

VASEP cũng đề nghị "Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này".

BBC Tiếng Việt