TIN THỦY SẢN

Mỹ tăng cường mua tôm từ Trung Quốc và Argentina

Mỹ tăng cường mua tôm từ Trung Quốc và Argentina. Nguồn: Internet Kim Thu

Tính tới 15/10/2017, Mỹ đứng ở vị trí thứ 4 về NK tôm Việt Nam, chiếm 17,7% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Giá trị XK tôm sang Mỹ trong thời gian này đạt 514,3 triệu USD; giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong các tháng của 3 quý đầu năm nay, giá trị XK sang Mỹ chỉ tăng từ tháng 5 đến tháng 8, các tháng còn lại đều giảm sản phẩm với cùng kỳ năm ngoái.

XK tôm Việt Nam sang Mỹ có chiều hướng đi xuống do tác động việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá và đồng USD sụt giá.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Mỹ) cũng phần nào làm giảm XK tôm Việt Nam sang Mỹ. Thuế đối với tôm nước ấm đông lạnh NK từ Ấn Độ ở mức 0,84% trong đợt xem xét hành chính từ 1/2/2015 đến 31/1/2016, giảm so với mức trước đó. Bên cạnh đó, giá XK tôm trung bình của Ấn Độ thấp hơn từ 15-20% so với các nguồn cung khác cho thị trường Mỹ. Sản lượng tôm chân trắng Ấn Độ đang tăng nhờ phát triển hiệu quả các dự án nuôi tôm chân trắng.

Vụ tôm khai thác của Mỹ vừa qua cũng tăng mạnh về sản lượng, đạt gần 7.250 tấn tôm nguyên liệu. Nguồn cung ổn định tại Mỹ có khả năng gây cạnh tranh với tôm Việt Nam khi NK vào thị trường này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 9 tháng đầu năm 2017, Mỹ tiếp tục tăng NK tôm với 471.989 tấn, trị giá gần 4,6 tỷ USD; tăng 10% về khối lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm 33% tổng giá trị NK tôm vào Mỹ. Tiếp đó Indonesia đứng thứ 2 chiếm 19%; Thái Lan chiếm 12%; Việt Nam đứng thứ 4 chiếm 9,7%.

Trong tốp 5 nguồn cung chính cho Mỹ, xét về khối lượng, duy nhất khối lượng NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ tăng 42%; các nguồn cung còn lại đều giảm: Indonesia giảm 4%, Việt Nam và Thái Lan cùng giảm 7%, Ecuador giảm nhẹ 1%.

Trong 10 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, đáng chú ý, khối lượng NK từ Trung Quốc và Argentina tăng mạnh lần lượt 41 và 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm thịt nguyên liệu đông lạnh (HS0306170040) là sản phẩm được NK nhiều nhất vào Mỹ. NK mặt hàng này vào Mỹ 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt 15% và 19% lần lượt về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ, tiếp đó là Indonesia và Việt Nam.

Tôm thịt chế biến đông lạnh (HS1605211030) là sản phẩm được NK nhiều thứ hai vào Mỹ. NK mặt hàng này tăng lần lượt 20% và 26%. Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất, Việt Nam và Indonesia lần lượt đứng thứ hai và ba.

Chín tháng đầu năm 2017, giá trung bình NK tôm của Mỹ đạt 9,7 USD/kg trong khi cùng kỳ năm 2016, giá NK đạt 9,2 USD/kg. Chín tháng đầu năm nay, giá XK trung bình tôm Ấn Độ và Indonesia vào Mỹ đạt 10 USD/kg; Thái Lan đạt 10,7 USD/kg và Việt Nam đạt cao nhất 11 USD/kg.

Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Ecuador là các nguồn cung cấp tôm chính cho thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm nay và hầu hết các nước đều bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Thế nhưng, do mức thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho tôm Việt Nam cao nên sức cạnh tranh tôm của Việt Nam ở thị trường Mỹ kém hơn.

Liên quan đến thông tin thuế CBPG được công bố từ Mỹ trong quý III/2017, DOC mới đây đã công bố phán quyết về nâng mức thuế chống bán phá đối với tôm Việt Nam đã xuất sang Mỹ trong giai đoạn 1/2/2013 - 31/1/2014 lên 1,42% thay vì 1,16% như trước đó.

Phán quyết lần này được đưa ra sau khi áp dụng cách tính mới, cho dù vào ngày 7/9/2015, họ đã công bố kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo kế hoạch, DOC sẽ tiến hành đợt rà soát hành chính tiếp theo đối với tôm NK từ Việt Nam vào năm 2018, và rất có thể Bangladesh sẽ tiếp tục không được chọn là quốc gia tham chiếu.

Từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản NK (SIMP) vào Mỹ đối với 13 loài trong đó có tôm. Trong đó, 11 loài sẽ được giám sát ngay từ 1/1/2018, riêng 2 loài là bào ngư và tôm sẽ giám sát sau một chút bởi cần thu thập thêm thông tin. Ngay từ bây giờ, DN XK cũng nên chuẩn bị thông tin theo yêu cầu của Mỹ, làm việc trực tiếp với các đối tác NK và cung cấp những nội dung thông tin họ cần.
 

Kim Thu VASEP