TIN THỦY SẢN

Nam Định: Chuẩn bị điều kiện vào vụ nuôi thủy sản năm 2019

Nông dân xã Giao Lạc (Giao Thủy) cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi thủy sản. Thành Trung

Thời gian qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, đầm, chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi thả thủy sản mới.

Năm 2018, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh tăng với tổng diện tích đạt gần 16 nghìn ha; tổng sản lượng đạt 98,2 nghìn tấn, tăng 8,1% so với năm 2017. Trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt đạt 48,53 nghìn tấn, nuôi nước lợ đạt 49,68 nghìn tấn. Nhiều mô hình NTTS thành công đã được duy trì ổn định và tiếp tục phát huy tốt các loại hình mặt nước, ở các đối tượng nuôi chủ lực, cho năng suất lớn như tôm chân trắng, ngao, cá bống bớp, cá diêu hồng, cá lóc bông... Các mô hình này đang được nhân rộng ở nhiều địa phương cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện toàn tỉnh đã hình thành 70 vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích là 6.651ha tập trung ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản,... Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cơ bản đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các vùng chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, trồng cói, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Vùng nuôi cá bống bớp tại xã Nam Ðiền (Nghĩa Hưng) với tổng diện tích gần 400ha, chủ yếu được chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa nhiễm mặn, trồng cói hiệu quả thấp. Sản lượng cá bống bớp hàng năm cung cấp ra thị trường ước đạt 1.200 tấn, lợi nhuận mang lại từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. Hoạt động nuôi cá diêu hồng ở vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với quy mô 134,4ha, trong đó có 80,64ha nuôi thâm canh với mức độ nuôi thâm canh cao nên lợi nhuận đạt khá, sau khi trừ hết chi phí đạt từ 180 đến 200 triệu đồng/ha/năm.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019 ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu diện tích NTTS đạt 16.215ha, trong đó nuôi mặn lợ đạt 6.415ha, nuôi nước ngọt 9.800ha. Ðể hoạt động NTTS năm 2019 đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Thủy sản, Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản...) tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả, đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông, ngư dân thực hiện nghiêm quy trình nuôi, trước mắt làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi. 

Tại các vùng nuôi tôm tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, các hộ nuôi và các doanh nghiệp đang tích cực huy động máy xúc, máy bơm, các phương tiện… đào mới, cải tạo ao, đầm, nạo vét, tu sửa bờ ao, xử lý môi trường nước chuẩn bị điều kiện để bước vào vụ nuôi mới.

Anh Trần Văn Hạo, xóm Hợp Thành, xã Hải Ðông (Hải Hậu) cho biết: Vì tôm là đối tượng nuôi rất nhạy cảm nên công tác chuẩn bị, cải tạo ao đầm phải được quan tâm hàng đầu. Từ kinh nghiệm nhiều năm nên ngay sau khi thu hoạch được trên 3 tấn tôm thẻ chân trắng, từ trước Tết Nguyên đán, anh Hạo đã bắt tay vào cải tạo ao đầm. Ðối với 2 ao nuôi (với diện tích khoảng 400 m2/ao), anh đã tháo hết nước, rửa sạch bạt lót đáy rồi phơi cả chục ngày. Song song với quá trình phơi ao nuôi, anh tiến hành vệ sinh thật sạch 16 bể ương được xây kiên cố bằng xi măng, có mái che (diện tích 30 m2/bể) và tiến hành bơm nước vào ao chứa thả cá rô phi cá ăn hết tạp chất. Qua vài ngày, nước từ ao chứa lại được bơm sang ao xử lý sử dụng các loại hóa chất chuyên dụng làm sạch hoàn toàn môi trường nước trong 3-4 ngày. Khi nước đã xử lý xong mới bơm lên các bể ương để tiến hành gây màu bằng mật đường và men vi sinh rồi mới thả giống tôm thẻ chân trắng để ương nuôi trên bể. Sau 30-35 ngày tôm sinh trưởng và phát triển tốt (to bằng đầu đũa) mới chuyển xuống ao nuôi. Vụ tôm xuân hè năm nay, anh Hạo vừa xuống giống trên 10 vạn tôm thẻ chân trắng giống. Còn ở vùng nuôi ngao hơn 100ha của xã Giao Lạc (Giao Thủy), từ trước Tết Nguyên đán, các hộ nuôi cũng đã dọn dẹp vệ sinh môi trường nuôi, làm sạch cọc, lưới, đảo cát để lưu thông dòng chảy cho ngao và xử lý các mầm bệnh.

Ở nhiều vùng nuôi thủy sản nội đồng với các loại cá truyền thống hay nuôi cá lồng, bè như các xã Yên Hưng, Yên Hồng (Ý Yên); Mỹ Tiến, Mỹ Tân, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… người nuôi cũng đang tất bật hoàn thiện công tác tu sửa, chuẩn bị ao nuôi. Ðể các hộ nuôi thủy sản yên tâm sản xuất cho vụ nuôi mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ nuôi cải tạo, vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, dùng vôi bột để khử trùng, diệt khuẩn sau đó phơi đáy ao, dẫn nước thau rửa ao để hạn chế dịch bệnh. Tính đến thời điểm cuối tháng 2, toàn tỉnh đã có 80% diện tích nuôi mặn lợ và trên 70% diện tích nuôi nước ngọt sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới. 

Ðể vụ nuôi thủy sản mới thành công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc; các cơ sở sản xuất giống kiểm tra cá bố mẹ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng chờ thời điểm thích hợp để tiến hành sản xuất cá giống. Các cơ sở sản xuất giống mặn, lợ tập trung hoàn thành sửa chữa, cải tạo các công trình phụ trợ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho sinh sản nhân tạo, nhập đàn giống bố mẹ và con giống về ương phục vụ thả giống sớm. Chi cục Thủy sản phối hợp cùng các đơn vị trong ngành, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố nắm bắt kế hoạch sản xuất giống, thả giống của các cơ sở; khẩn trương đôn đốc công tác cải tạo ao, đầm tại các vùng nuôi. Thanh tra Sở phối hợp cùng với các đơn vị liên quan, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là về điều kiện sản xuất của các cơ sở. Chi cục Chăn nuôi - Thú y tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn giống thủy sản nhập vào địa bàn tỉnh, đặc biệt việc nhập tôm bố mẹ và sản xuất giống tôm sú, tôm chân trắng. Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nuôi về kỹ thuật cải tạo ao đầm, kỹ thuật nuôi nhằm chuẩn bị tốt cho vụ nuôi 2019. Trung tâm giống hải sản, Trung tâm Giống thủy đặc sản căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai kế hoạch sản xuất giống năm 2019 đáp ứng nhu cầu con giống của người dân.

Thành Trung Báo Nam Định