Nam Định: Đổi thay nhờ quy hoạch nuôi thuỷ sản tập trung
Nhờ quy hoạch chuyển đổi diện tích sản suất thấp sang nuôi trồng thủy sản mà kinh tế vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Xuân Hoà đã có những đổi thay đáng kể.
Đến thăm vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Xuân Hoà (Xuân Trường) vào buổi thu hoạch, khắp vùng nuôi rộng hơn 33ha, tiếng người hò kéo lưới, tiếng ô tô vận chuyển ra vào huyên náo nhộn nhịp, gương mặt ai cũng hồ hởi, phấn khích bởi vụ cá năm nay tiếp tục bội thu.
Đến nay, tại vùng nuôi thuỷ sản bền vững của xã, hàng chục hộ như ông Lê Văn Bản, Phạm Văn Cảm, Lê Văn Nhẩn… đã có thu nhập ổn định từ các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh nuôi cá truyền thống nước ngọt với doanh thu từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Xuân Hoà cho biết: trước đây, các hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn xã chủ yếu diện tích nhỏ hẹp đơn lẻ, tự lo cả đầu vào lẫn đầu ra; đối tượng nuôi tự phát, quá trình nuôi do thiếu kiến thức kỹ thuật nên dễ bị ảnh hưởng rủi ro thiên tai; đến khâu tiêu thụ thường bị tư thương ép giá do sản xuất, thu hoạch cùng thời điểm, lợi nhuận thấp. Năm 2005, mô hình nuôi tôm sú quảng canh ở xã do tự phát, thiếu về kỹ thuật, gây thiệt hại lớn hàng tỷ đồng, nhiều hộ nuôi trắng tay, trắng ao nhiều năm liền. Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, xã đã tập trung hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa để dồn quỹ đất công, tạo vùng nuôi tập trung cho các hộ đấu thầu xây dựng các mô hình sản xuất kinh tế VAC bài bản, tập trung với mũi nhọn là nuôi thuỷ sản tại vùng chuyển đổi; tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành, UBND tỉnh, xã đầu tư 950 triệu đồng xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vùng chuyển đổi; tăng cường phối hợp tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản, hướng dẫn người dân lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Người nuôi kết hợp kinh nghiệm với kiến thức khoa học kỹ thuật, liên kết xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, từng bước ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng thuỷ sản với các đối tượng nuôi phù hợp đồng đất quê hương như cá lăng chấm, cá diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi, mè xen canh với tôm thẻ chân trắng.
Đến nay, vùng nuôi thuỷ sản của xã đã tạo đột phá về thu nhập trong sản xuất thuỷ sản nói riêng và thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn xã nói chung. Bình quân mỗi năm, xã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 170 tấn cá các loại và 7 tấn tôm thẻ chân trắng, tổng doanh thu hơn 12 tỷ 350 triệu đồng. Giá trị thu nhập trên 1ha mặt nước của vùng nuôi thuỷ sản tập trung ở Xuân Hoà đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Giao Phong - xã nông thôn mới kiểu mẫu đồng thời cũng là xã mũi nhọn về phát triển kinh tế biển của huyện Giao Thuỷ. Năm 2013, Giao Phong tiếp tục quy hoạch chuyển đổi 85ha diện tích sản xuất muối năng suất thấp sang sản xuất cây màu và nuôi trồng thủy sản. Về nuôi trồng thủy sản, xã tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú và sản xuất ngao giống với tổng diện tích gần 150ha. Với kinh nghiệm thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp kết hợp với ứng dụng công nghệ sinh học an toàn trong xử lý ao nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng của xã đạt bình quân từ 10 tấn/ha/năm, lợi nhuận mỗi hộ nuôi đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2018 đạt 44 triệu đồng, phấn đấu đến hết năm 2019 nâng lên 50 triệu đồng/năm.
Hiện tại, xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hiệu quả mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi thủy sản của ông Cao Văn Ba ở xóm Lâm Hồ ra các hộ nuôi khác. Đó là mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà kính với cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, khép kín, có thể nuôi tôm thâm canh với mật độ dày do chủ động điều tiết được nhiệt độ ao nuôi, chất lượng nước, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm nhập, ít dịch bệnh, tránh được điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là chủ động được khâu thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”. Tính ra mỗi héc-ta nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính đem lại giá trị 1-2 tỷ đồng/năm. Có thể khẳng định, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi “tấc đất” ở Giao Phong dưới bàn tay cần cù, mẫn cán, chăm chỉ, sáng tạo của người nông dân đã trở thành “tấc vàng”.