TIN THỦY SẢN

Nam Định: Nuôi tôm bền vững bằng công nghệ vi sinh

Mô hình nuôi tôm bền vững tại hộ ông Nguyễn Văn Minh, đội 3, Nông trường Bạch Long (Giao Thủy). Thanh Hoa

Nhiều năm trở lại đây người nuôi tôm (nhất là nuôi công nghiệp, thâm canh bán công nghiệp) vẫn gặp rủi ro, thách thức vì dịch bệnh, biến đổi môi trường… Vì vậy, nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học và áp dụng khoa học kỹ thuật được nhiều hộ nuôi lựa chọn là giải pháp cấp thiết để phát triển nghề nuôi tôm bền vững.

Tiêu biểu trong việc tích cực tiếp nhận và triển khai có hiệu quả công nghệ nuôi sinh học của các hộ nuôi có thể kể đến các mô hình nuôi tôm bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nông trường Bạch Long (Giao Thủy), xã Hải Triều (Hải Hậu), Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Mô hình được dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (USAID) tài trợ từ năm 2017 sau khi kết hợp với Sở NN và PTNT tỉnh khảo sát, đánh giá hiện trạng nuôi tôm của người dân còn nhiều bất cập. So với mô hình nuôi tôm truyền thống thì mô hình nuôi tôm bền vững thuộc dự án USAID hỗ trợ với nhiều ưu điểm như chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế sử dụng hóa chất để đảm bảo sản phẩm không có tồn dư hóa chất, kháng sinh gây hại cho người sử dụng. Đặc biệt, các hộ nuôi phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nguồn nước sử dụng trong quá trình nuôi, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc của sản phẩm.

Năm 2017, tại Nông trường Bạch Long có 30 hộ tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm bền vững theo công nghệ vi sinh. Các mô hình được hỗ trợ một phần chế phẩm vi sinh và được các kỹ sư thủy sản hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo công nghệ vi sinh. Mô hình thực hiện nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng kết hợp với các loại cá nước ngọt như cá diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ… Do hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu thụ ổn định tại thị trường các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương…

Ông Nguyễn Văn Minh, đội 3, Nông trường Bạch Long có 1,5ha ao nuôi theo công nghệ này. Qua quá trình thực hiện, ông Minh cho biết khi nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với các đối tượng cá nước ngọt thì các đối tượng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, môi trường nuôi cũng sạch hơn vì nếu tôm bị dịch bệnh, yếu thì cá sẽ tiêu diệt ngay con tôm bệnh khiến dịch bệnh không thể lan rộng. Bên cạnh đó, thức ăn thừa của tôm và chất thải cũng sẽ được các loại cá dọn sạch giúp đảm bảo môi trường nước. Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật thủy sản thường xuyên hỗ trợ, theo dõi tình hình phát triển của các mô hình, hướng dẫn các cách thức phòng, chống bệnh cho tôm, cá và các quy trình, kỹ thuật cải tạo ao nên người nuôi cũng yên tâm hơn rất nhiều.

Ông chia sẻ thêm: “Với những ưu điểm mà mô hình mang lại, người nuôi chúng tôi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với hình thức nuôi tôm truyền thống. So với trước kia, hiệu quả kinh tế đã tăng gấp 2 lần. Năm vừa qua, tôi thu hoạch được khoảng 20 tấn cá các loại và 1,5 tấn tôm. Chính vì vậy nên năm nay tôi lại tiếp tục thực hiện nuôi theo công nghệ này”. Không chỉ dừng lại ở 30 hộ tham gia dự án ban đầu, đến nay đã có thêm khoảng 70 hộ chủ động tham gia, nhân rộng mô hình với tổng diện tích nuôi tôm bền vững tại Nông trường Bạch Long lên tới 70ha. Thời điểm này, các hộ nuôi đã hoàn tất tu sửa mương máng, hệ thống đường điện và giao thông và đang bắt đầu xuống giống tôm, cá cho vụ nuôi mới.

Mô hình nuôi tôm bền vững theo công nghệ vi sinh bước đầu đã có những thành công nhất định, khẳng định được hiệu quả giảm thiểu rủi ro do thời tiết, dịch bệnh gây nên, tạo được sự tin tưởng cho người dân. Quan trọng hơn là mô hình giúp người nuôi yên tâm về sinh kế trước tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cũng nâng cao ý thức chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu. 

Thanh Hoa Báo Nam Định