Nấm đồng tiền xuất hiện trên nhá tôm: Nhận biết và cách xử lý
Nấm đồng tiền hay còn gọi là nấm chân chó, theo cách gọi dân gian của người nuôi, thực chất là một loại địa y chứ không đơn thuần là một loại nấm. Nấm đồng tiền có mùi tanh nồng, thường xuất hiện trong các ao nuôi tôm lâu năm, bám chặt vào nhá cho ăn, bạt, đất, đá và các dụng cụ trong ao gây nhiều khó khăn cho người nuôi.
Nguyên nhân nấm xuất hiện
Nấm đồng tiền thường xuất hiện ở đáy và bờ ao nuôi tôm, có hình dạng như vảy, cành cây, búi sợi hay chân chó. Nấm đồng tiền phát triển nhanh chóng trong điều kiện phù hợp, như:
- Ao tôm bị ô nhiễm do dư chất hữu cơ, thức ăn thừa, chất thải của tôm và các sinh vật khác.
- Ao tôm thiếu oxy, có nhiều khí độc như amoni, nitrit, nitrat, sulfua, metan,…
- Ao tôm có nhiệt độ thấp, độ pH không ổn định, độ mặn thay đổi thất thường.
- Ao tôm bị nhiễm các loại vi khuẩn, vi bào tử, ký sinh trùng, động vật nguyên sinh gây bệnh cho tôm.
Tác động đến tôm nuôi
Nấm đồng tiền tiết ra các độc tố gây hại cho mang, đường ruột và hệ miễn dịch của tôm, khiến tôm dễ mắc bệnh. Nghiêm trọng hơn, tôm khi ăn phải loại nấm này có thể bị rối loạn tiêu hóa, còi cọc, chậm lớn , thậm chí chết.
Nấm đồng tiền còn là nơi cư ngụ của nhiều vi sinh vật gây hại, tạo điều kiện cho các mầm bệnh khác phát triển, làm tăng nguy cơ tôm bị bệnh.
Trường hợp nhiễm nặng, tôm có thể chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Bên cạnh đó, độc tố từ nấm đồng tiền còn gây ô nhiễm môi trường nước, làm giảm hiệu quả sử dụng thuốc, hóa chất và men vi sinh.
Nhận biết nấm đồng tiền xuất hiện
Nấm đồng tiền có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau:
- Nấm đồng tiền thường có màu xanh lục, trắng, vàng hay nâu, tùy theo loại tảo cộng sinh với nấm
- Với hình dạng như chân chó (nấm chân chó) dễ nhận biết, nấm đồng tiền trong ao nuôi tôm thường xuất hiện ở trên bề mặt đáy và bờ ao hay đất, đá, và các vật dùng dụng cụ trong ao nuôi tôm,… Sau 7 – 10 ngày cấp nước, nấm bắt đầu phát triển lớn bằng ngón tay út và tăng nhanh sau vài ngày trong điều kiện thuận lợi.
- Nhá tôm xuất hiện nấm đồng tiền thường có những dấu hiệu đặc trưng như có các đốm tròn màu xanh, nâu đen hoặc vàng sẫm. Bề mặt nhá trở nên trơn nhầy và khó vệ sinh. Mùi tanh khó chịu do sự phân hủy hữu cơ và sự phát triển mạnh của vi sinh vật cư ngụ trong nấm cũng là biểu hiện dễ nhận thấy.
- Khả năng ăn của tôm có thể bị giảm do sự xuất hiện của nấm đồng tiền trên nhá ăn làm giảm khả năng bám và tiếp cận thức ăn của tôm, bên cạnh đó là mùi tanh khó chịu phát ra từ nấm dễ khiến tôm bỏ ăn, trở nên suy yếu và tăng khả năng nhiễm bệnh.
Phòng ngừa và quản lý hiệu quả
Khi phát hiện ao nuôi đang có tình trạng nhiễm nấm đồng tiền, bà con lưu ý không nên trực tiếp lau bạt, lau thiết bị nuôi tôm. Vì phương pháp thủ công này sẽ khiến loài nấm phân tán bào tử nấm nặng hơn và tốc độ lây lan của chúng sẽ nhanh hơn.
Đối với các ao đã từng bị nhiễm nấm đồng tiền, thì bắt buộc khâu tẩy nấm và tiêu diệt bào tử nấm cần được chú trọng và xử lý một cách triệt để trước khi thả tôm, kết hợp với việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý nước nhằm ức chế vi khuẩn có hại và bổ sung lợi khuẩn cho môi trường. Bà con có thể tiến hành các bước theo quy trình sau:
- Cải tạo đáy ao và làm sạch ao bằng phương pháp hòa trộn vôi nung với nước tạo thành hỗn hợp dung dịch sệt rồi tạt khắp bờ ao. Càng phủ vôi dày trên bạt ao thì hiệu quả xử lý càng cao.
- Tất cả những dụng cụ hay thiết bị dùng trong nuôi tôm bị nhiễm nấm đồng tiền đều phải được xử lý bằng vôi tôi.
- Phơi ao khô khoảng 2 - 3 ngày. Sau đó, tiến hành tẩy rửa, vệ sinh ao nuôi và phơi ao thêm khoảng 1 tuần nữa.