Nấm men hỗ trợ phòng bệnh thủy sản
Nấm men là một đối tượng mới với nhiều tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản. Giúp giải quyết những khó khăn trong quá trình xữ lí môi trường nuôi, tăng đề kháng hạn chế được dịch bệnh, điều chế các chế phẩm sinh học,... đây được xem là hướng phát triển bền vững đối với nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất và đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi sống hành tinh với dân số ngày càng tăng chúng cung cấp hơn một nửa sản phẩm thủy sản tiêu thụ trên thế giới. Những cảnh báo ngày càng gia tăng về tác động xấu đến môi trường do sự phát triển quá nóng, thiếu quy hoạch, thiếu bền vững của nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sản phẩm. Hướng phát triển mới là việc ứng dụng công nghệ sinh học. Bởi vì, công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật tạo ra công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Đối tượng mới nhiều tiềm năng cho vấn đề này có thể là nấm men.
Nấm men là vi sinh vật điển hình cho nhóm nhân thật, với kích thước tế bào trung bình khoảng 3-5 x 5-10µm và hầu như phân bố ở khắp các môi trường như trong tự nhiên như đất, nước, không khí, trên thực vật, côn trùng,…Ngoài ra chúng còn phân bố trong môi trường có đường, độ pH thấp như trong lượng thực, thực phẩm, rau quả, mật mía, rỉ đường. Sinh sản nhanh, hình thức chủ yếu của nấm men là nảy chồi. Những ưu điểm đó, cho thấy nấm men là một đối tượng mới trong việc ứng dụng công nghệ sinh học.
Những ứng dụng có thể kể đến như điều chế các protein miễn dịch đặc hiệu bằng công nghệ tái tổ hợp hoặc công nghệ vectơ. Sản xuất vắc-xin tái tổ hợp thay thế cho vắc-xin truyền thống. Sự xuất hiện của công nghệ DNA tái tổ hợp đã đưa đến sự ra đời và phát triển của vắc-xin tái tổ hợp. Sau khi định dạng và nhận biết trình tự gen mã hóa cho các protein kháng nguyên của tác nhân gây bệnh, các gen đã tuyển chọn được tách triết, tinh lọc và được cấy ghép vào bộ gen của nấm men Saccharomyces cerevisiae để sản xuất ra hàng loạt các protein kháng nguyên bằng phương pháp lên men, nhờ tính an toàn, hiệu quả và kinh tế hơn đã được thương mại hóa phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Hay việc sử dụng nấm men điều chế chất chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại, cũng như cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch. Astaxanthin được chiết xuất từ sinh khối nấm men có tác dụng cải thiện màu sắc trên cá cảnh, ở liều 90 mg/kg nấm men bổ sung vào thức ăn cho cá dĩa đỏ (Symphysodon sp.) trong ba tháng cải thiện màu sắc rõ rệt.
Bên cạnh đó, sản xuất chế phẩm sinh học Bokashi-HDU chiết xuất từ hỗn hợp hai loài vi sinh vật có lợi bao gồm vi khuẩn Lactobacillus và nấm men có thể giúp phân giải nhanh các hợp chất hữu cơ, giảm thiểu mùi hôi thối trong sản xuất nông nghiệp. Trong bảo quản thủy sản, chiết xuất pediocin tái tổ hợp trong bảo quản thực phẩm từ nấm men Pichia pastoris X33::ped, kết quả có hiệu quả bảo quản tôm ở 4°C trong 7 ngày được tinh chế từ dịch nuôi cấy nấm men với hiệu suất 11,0 mg/L; độ tinh sạch 91,7%. Ngoài ra nấm men còn kích thích miễn dịch và cải thiện tăng trưởng: hầu hết các nghiên cứu được thực hiện trên cá và động vật giáp xác đều xác nhận rằng Saccharomyces cervisiae và các thành phần tế bào của nó (β-glucan, MOS, GOS, enzyme) cải thiện sự tăng trưởng, hình thái, sinh lý của hệ tiêu hóa và phản ứng miễn dịch của vật chủ, đảm bảo sức khỏe tốt và cơ thể khỏe mạnh.
Qua đây, cho thấy rằng nấm men là đối tượng mới mang nhiều tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản giúp giải quyết những khó khăn trong quá trình xữ lí môi trường nuôi, tăng đề kháng hạn chế được dịch bệnh, điều chế các chế phẩm sinh học như probiotic, Bokashi-HDU,... Mặt dù, nấm men cũng có những tác hại nhất định nhưng nhìn lại vai trò và những ứng dụng của chúng thì không thể phủ nhận. Mong rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm những nghiên cứu sâu hơn, ứng dụng thiết thực hơn, từ đó phát triển tốt lĩnh vực công nghệ sinh học gắn liền với sự phát triển của thủy sản.