TIN THỦY SẢN

Nan giải bài toán xả thải từ nuôi tôm

Mô hình nuôi siêu thâm canh phát triển nhưng người nuôi chưa đảm bảo khâu xử lý nước thải. Văn Tưởng

Thời gian qua, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tạo bước đột phá khá mạnh, góp phần tăng năng suất, sản lượng tôm cho toàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, mô hình này đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người dân và các cơ quan hữu quan khi người nuôi xả thải ra môi trường.

Hiện nay, toàn xã Hàng Vịnh có 37 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích 38,48 ha, trong đó đang thả nuôi gần 5 ha, đạt khoảng 35%. Tuy nhiên, việc nuôi theo hình thức này chưa đảm bảo an toàn về điện, đặc biệt là việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Bí thư Chi bộ Ấp 4, xã Hàng Vịnh Nguyễn Thành Nhân cho rằng, điện, môi trường là 2 tiêu chí quan trọng trong nuôi tôm siêu thâm canh. Bởi điện liên quan đến an toàn tính mạng con người, còn môi trường thì ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân xung quanh và tình hình sản xuất, sinh hoạt nói chung của bà con trong vùng. Ông Nhân bức xúc: “Người nuôi xả thải xuống sông vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ khuya, chứ không ai làm ban ngày. Giờ đó nếu liên hệ lực lượng làm nhiệm vụ đến kiểm tra thì không có ai trực sẵn. Từ đó không xử lý được. Theo tôi, nhìn thấy nước xả ra có mùi thối, màu đen thì phạt được rồi, đâu cần phải định lượng gì”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung nhìn nhận, thực trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh xả thải ra môi trường diễn ra trong thời gian dài và nhiều bà con đã kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn. Mặc dù tình hình này có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn người cố tình vi phạm, trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. “Tôi đã làm việc với xã, phân cấp công việc rõ ràng. Ở xã cũng thành lập các tổ, đội. Quá trình kiểm tra, phát hiện những hộ nuôi sai quy định buộc cam kết, lần 1, lần 2, nếu tiếp tục thì xử lý hành chính”, ông Trung cho biết.

“Theo quy định về phân cấp của UBND tỉnh Cà Mau, xã cấp giấy công nhận đủ điều kiện, Phòng NN&PTNT sẽ tổ chức hậu kiểm tra. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, đa số làm không đúng quy hoạch. Thực trạng này huyện đã có báo cáo về các sở, ngành liên quan", Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương cho biết.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hiện nay toàn huyện có 285 hộ đang nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích gần 265 ha, trong đó có 66 hộ nuôi ngoài quy hoạch; Trên 280 hộ ngưng nuôi, nghỉ nuôi với diện tích trên 200 ha, trong số này có khoảng 120 hộ nuôi ngoài quy hoạch.

Từ đầu năm đến nay có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính do không đảm bảo điều kiện ao xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý, trong khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh ảnh hưởng đến gần 3.200 ha đất tôm nuôi quảng canh truyền thống, 567 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và gần 34 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ngoài tác động từ các yếu tố như thời tiết thất thường, con giống, quy trình nuôi chưa được kiểm soát tốt..., việc xả thải không qua xử lý ra môi trường được xem là nguyên nhân dễ dẫn đến dịch bệnh trên tôm.

Văn Tưởng Báo Cà Mau