Nâng cao chất lượng cá tra giống bằng cách nào ?
Nhiều năm qua, khâu sản xuất giống cá tra vẫn còn bị thả nổi, dẫn đến chất lượng con giống chưa đạt yêu cầu. Vì thế, việc nâng cao chất lượng cá tra giống không chỉ giải quyết được vấn đề tỉ lệ hao hụt cao trong ương nuôi giống mà còn giúp nâng cao được hiệu quả trong nuôi cá thương phẩm, cá tăng trọng tốt, thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cho nhà nông sẽ cao hơn, giá thành cá nguyên liệu giảm xuống.
Cá tra giống - Ảnh: Sao Mai
Kiểm soát chất lượng đầu vào
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sản xuất cá tra giống là khâu yếu nhất hiện nay trong chuỗi sản xuất cá tra xuất khẩu. Bởi trên thực tế, để có cá chất lượng tốt cần phải có con giống chất lượng cao, đồng đều. Tuy nhiên, hiện khâu này rất ít doanh nghiệp có vốn, công nghệ đầu tư mà chủ yếu vẫn do nông dân tự làm với quy mô nhỏ lẻ.
Đánh giá về những thách thức của ngành công nghiệp cá tra trong năm 2012, ông Nguyễn Huy Điền – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, năm 2012 được dự báo là năm mà ngành công nghiệp cá tra Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó chính là về con giống. Hiện nay, chất lượng con giống đang có nhiều vấn đề, chất lượng giảm sút và khan hiếm. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản... đảm bảo chất lượng cao và bán đúng giá là điều rất cần thiết.
Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, biện pháp để nâng cao chất lượng con giống là tăng cường kiểm tra, kiểm dịch giống, những nơi không đảm bảo điều kiện thì phải kiên quyết xử lý. Đồng thời cơ quan quản lý cần hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống cách đảm bảo chất lượng con giống cũng như tự công bố chất lượng của cơ sở.
Chuẩn hóa đàn cá bố mẹ
Chất lượng cá giống suy giảm là một thực trạng đáng lo ngại, góp phần làm giảm hiệu quả nuôi. Hiện nay, tỉ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 10%, dịch bệnh trên cá tra nuôi xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước, thời gian nuôi cũng dài hơn.
Nguyên nhân chính là do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm. Chính vì thế, để cải thiện chất lượng cá tra giống, bên cạnh việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào thì việc chuẩn hóa đàn cá bố mẹ cũng là điều cần thiết phải thực hiện ngay.
Mới đây nhất, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phạm Anh Tuấn cho biết, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II vừa chuyển giao 85.000 con cá tra bố mẹ đã được chọn lọc di truyền cho các địa phương nuôi cá tra trọng điểm như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…
Đàn cá tra bố mẹ nói trên nằm trong dự án “Chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao” với số lượng 100.000 con cá tra bố mẹ chất lượng cao để từng bước thay thế đàn cá tra bố mẹ tại vùng ĐBSCL theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT. Đây có thể xem là bước tạo nguồn cá giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người nuôi.
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối năm 2011, toàn vùng ĐBSCL có trên 220 cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo và trên 2.000 héc ta diện tích ương nuôi từ cá bột lên cá giống; sản lượng cá giống toàn vùng đạt khoảng 2,4 tỉ con và cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm. Các cơ sở chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp với 160 cơ sở sinh sản nhân tạo và có 1.168 héc ta ương cá tra giống, Cần Thơ 405 héc ta, An Giang 480 héc ta.