Nâng cao hiệu quả nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam
Sáng 8-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Tổng cục Thủy sản và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện Tổng cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Lâm đồng và 150 đại biểu là doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) ở tỉnh Lào Cai và Lâm Đồng.
Cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) được đưa vào nuôi và kinh doanh thương mại ở nước ta từ năm 2014. Sau hơn 15 năm, hoạt động sản xuất và kinh doanh cá nước lạnh đã mở rộng đến 25 tỉnh trong cả nước, sản lượng cá nuôi nhiều nhất là ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên, cụ thể là ở Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu…
Sản lượng nuôi cá nước lạnh ngày càng tăng, công nghệ nuôi ngày càng phát triển, tăng trưởng sản xuất từ năm 2007 đến năm 2020 đạt 68%, sản lượng cá năm 2020 đạt gần bốn nghìn tấn.
Việc sản xuất con giống và thức ăn có nhiều tiến bộ. Hiện tại, các cơ sở sản xuất con giống ở Lâm Đồng và Lào Cai đạt khoảng hơn ba triệu con, đáp ứng được khoảng 60% (3,3/5 triệu con) nhu cầu nuôi cá nước lạnh trong nước, với phương pháp là nhập trứng cá đã thụ tinh từ nước ngoài về tiếp tục ấp, sau đó ương lên cá giống hoặc nhập khẩu cá bột về ương dưỡng thành cá giống.
Để chủ động con giống, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã triển khai đề án “Hoàn thiện qui trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm” đạt kết quả tốt, tỷ lệ trứng nở con đạt 80%, tỷ lệ cá bột lên cá giống đạt 60%. Về sản xuất thức ăn, các cơ sở sản xuất trong nước hiện bảo đảm được 90% thức ăn cho cá tầm và 50% thức ăn cho cá hồi, giá thành rẻ hơn từ 5-6 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh sản xuất trong nước chủ yếu được tiêu thụ tươi sống hoặc cấp đông, rất ít qua chế biến. Tại các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng, Sơn La, Lai Châu…, cá hồi và cá tầm được bán ngay tại địa phương, thông qua bán lẻ tại các chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn cao cấp hoặc bán trực tiếp cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến tham quan trang trại nuôi cá nước lạnh, với giá bán từ 200-250 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm.
Khó khăn lớn nhất trong sản xuất, kinh doanh cá nước lạnh ở nước ta hiện nay là biến đổi khí hậu, từ khi đưa cá nước lạnh vào Việt Nam (năm 2025) đến nay, nhiệt độ tại các vùng nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai, Lâm Đồng, Sơn La đã tăng thêm khoảng 1,5 độ C, khiến vùng nuôi cá tầm, cá hồi bị thu hẹp và gặp nhiều thách thức.
Cá giống và thức ăn phải nhập khẩu từ châu Âu nên giá thành cao, không chủ động, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Tại các vùng nuôi cá nước lạnh như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, gây nhiều thiệt hại.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Hiệp hội cá nước lạnh Lào Cai, Hiệp hội cá nước lạnh Lâm Đồng đã thống nhất mục tiêu đến năm 2030, sản lượng đạt 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh (trứng cá hồi) được xuất khẩu, sản xuất và bảo đảm được 100% nhu cầu cá giống và thức ăn cho nuôi cá nước lạnh trong nước.
Các giải pháp được đưa ra là: Tập trung vào liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh với các địa phương, cơ sở nuôi cá thương phẩm trong cả nước để chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống và thức ăn, các biện pháp phòng trị dịch bệnh, xử lý môi trường nuôi cá nước lạnh…, nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm cá nước lạnh (cá thịt, cá trứng, trứng cá, sản phẩm phụ…), đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất cá nước lạnh xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm cá nước lạnh Việt Nam.