TIN THỦY SẢN

Nâng cao thu nhập nhờ ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

uôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm theo đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: Tép Bạc NT

Nhờ ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh - thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công Semi-Biofloc, thu nhập và đời sống của gia đình ông Phan Đình Đủ (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) ngày càng được nâng cao, không còn nỗi lo về kinh tế như trước đây.

Để đưa công nghệ Semi-Biofloc ứng dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng, đòi hỏi ông Đủ phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu như ao lắng, ao ương, ao nuôi thương phẩm lót bạt có che lưới, hệ thống quạt nước, oxy đáy,... Vụ nuôi vừa qua, ông Đủ tiến hành thả 200.000 con giống tôm thẻ chân trắng PL12 với kích cỡ > 9 mm/con. Ban đầu, tôm giống được ương trong ao với diện tích 300 m2. Sau 30 ngày, khi tôm đạt kích cỡ 600 con/kg, ông Đủ tiến hành chuyển sang ao nuôi thương phẩm với diện tích 1.000 m2.  

Ông Đủ cho hay: Với kinh nghiệm 7 năm trong nghề nuôi tôm nên ông mạnh dạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc để nuôi tôm. Trong suốt quá trình nuôi, tôi luôn tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật nuôi nên tôm lớn nhanh, không thấy xuất hiện bệnh, các yếu tố môi trường nước đảm bảo cho tôm phát triển. Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của tôm đạt 85,5 %, kích cỡ tôm thương phẩm 70 con/kg, tổng sản lượng đạt 2.443 kg. Với giá tôm thương phẩm hiện nay là 120.000 đồng/kg, nếu thu hoạch toàn bộ, ước tính lợi nhuận khoảng 85 triệu đồng. Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ thu tỉa khoảng 1/3 sản lượng. Sau đó, tôi tiếp tục nuôi tôm đạt kích cỡ thương phẩm lớn hơn, khi đó lợi nhuận mang lại sẽ cao hơn nhiều. Nếu so sánh với các ao nuôi không ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc thì hiệu quả của mô hình cao hơn, tôm thương phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng hơn do không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi.  

Đây là mô hình nuôi điển hình để người dân trong vùng tham quan học tập. Ảnh: Tép Bạc

Anh Nguyễn Trần Phong, cán bộ nông, lâm, ngư xã Cát Khánh cho biết: Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng rất lớn do thời tiết diễn biến khá phức tạp, ô nhiễm môi trường nuôi, dịch bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, dẫn đến thiệt hại cho người nuôi rất đáng kể, nhiều hộ dân đã bỏ nghề để chuyển sang làm công việc khác. Qua theo dõi, đánh giá tại hộ ông Đủ, thì hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn so với các hộ nuôi xung quanh thả giống cùng thời điểm. Đặc biệt có nhiều hộ đã phải thu tôm sớm do bị ảnh hưởng của thời tiết và dấu hiệu của dịch bệnh.  

Đây là mô hình rất tiềm năng, sẽ tạo ra bước ngoặt và hướng đi mới cho người nuôi tôm trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, tôi sẽ tham mưu cho UBND xã tổ chức thông tin tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình để từng bước nhân rộng có hiệu quả trên địa bàn xã, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người nuôi tôm”, anh Phong chia sẻ thêm. 

Thực tế cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc ngày càng được các hộ dân nuôi trồng thủy sản áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đây là công nghệ nuôi tôm thương phẩm giúp giảm thiểu dịch bệnh, tiết kiệm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, qua đó nâng cao được giá thành sản phầm và tăng thu nhập tăng đáng kể cho người nuôi./. 

NT