Nâng giá trị chuỗi liên kết
Ngày 30/9, tại TP.HCM, Bộ KH-ĐT đã tổ chức Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”.
Những thông tin tại diễn đàn này cho thấy, khoa học - công nghệ đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo lập và phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Trong ngành thủy sản hiện nay, có thể nói, tập đoàn Minh Phú đang là một trong những doanh nghiệp đi đầu hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Hiện tập đoàn này đang xây dựng 2 chuỗi giá trị toàn cầu cho tôm và cá rô phi, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, giá trị XK thủy sản của tập đoàn đạt 2,5 tỷ USD.
Chuỗi giá trị tôm/cá gồm 12 khâu: nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) ứng dụng trong thủy sản; đào tạo nhân lực; nghiên cứu gia hóa chọn giống và sản xuất tôm/cá bố mẹ; sản xuất giống thương phẩm; sản xuất thức ăn; sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nuôi tôm/cá; nuôi tôm/cá thương phẩm; chuỗi cung ứng tôm/cá; chế biến tôm; logistic... Như vậy, có thể thấy nghiên cứu về KH-CN đã được tập đoàn Minh Phú chú trọng thực hiện ngay từ đầu của mỗi chuỗi giá trị.
TS Trần Hữu Lộc (Viện Nghiên cứu Minh Phú), cho biết, khi mới về nước, ông chỉ nghĩ tới việc làm sao tìm ra được nguyên nhân gây bệnh EMS trên tôm. Nhưng thực tế đã dạy cho ông và các cộng sự ở tập đoàn Minh Phú thấy được rằng chỉ nghiên cứu như vậy là không đủ mà phải nghiên cứu nguyên cả chuỗi giá trị thì mới xây dựng được chuỗi giá trị tôm bền vững.
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH-CN của Minh Phú tại vùng sản xuất giống và vùng nuôi của tập đoàn trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, điển hình như: Khống chế được bệnh EMS ngay từ con giống; sản xuất con giống hoàn toàn không sử dụng kháng sinh; sản xuất thành công tôm sú đảm bảo an toàn dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh; nuôi tôm – cá theo quy trình cạnh tranh sinh học giúp giảm giá thành 60%; nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công trên 90%; nghiên cứu và ứng dụng thành công việc tăng độ màu cho tôm (giúp cho tôm có giá trị thương phẩm cao hơn)…
Tại các vùng nuôi liên kết với nông dân, Minh Phú cũng đã tiến hành tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi tôm, đồng thời giám sát kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi, đảm bảo cho nông dân đạt tỷ lệ thành công trên 80%, giảm chi phí sản xuất 20% và đảm bảo lợi nhuận trên 30%.
Bên cạnh đó là cung ứng con giống chất lượng cao và sạch bệnh, các chế phẩm vi sinh giúp xử lý đáy ao, môi trường ao nuôi và tạo cạnh tranh sinh học…
Toàn bộ sản phẩm tôm tại các vùng liên kết đều được Minh Phú thu mua hết với giá cao hơn thị trường từ 5% trở lên. Nhờ vậy, đến nay, Minh Phú đã tạo được vùng liên kết nuôi tôm với nông dân trên diện tích trên 1.000 ha đạt kết quả nuôi rất khả quan tương đương với vùng nuôi của tập đoàn (khoảng 1.000 ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang), trong đó 500 ha đã được cấp các chứng nhận BAP, ASC.
Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) là một doanh nghiệp đang đi đầu về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong chuỗi giá trị mía đường.
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Ủy ban Mía đường của TCC, cho biết, hiện nay, lợi nhuận của nông dân trồng mía trên các diện tích thuộc TTC là 1.260 đ/kg đường, chỉ bằng một nửa so với Thái Lan (2.394 đ/kg đường). Nguyên nhân là do giá thành sản xuất cao 10.402 đ/kg đường so với 8.218 đ/kg đường của Thái Lan. Vì thế, để giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân, bắt buộc phải đẩy mạnh đầu tư vào KH-CN.
Mục tiêu của TTC là giảm mạnh chi phí sản xuất mía đến năm 2020. Cụ thể: chi phí phân bón năm 2020 là 1.679 đ/kg đường (hiện nay là 2.231 đ/kg); giống từ 400 đ/kg đường hiện nay giảm còn 280 đ/kg; chi phí tưới giảm từ 600 đ xuống còn 400 đ/kg; chi phí vận chuyển giảm từ 1.000 đ xuống 930 đ/kg; chi phí thu hoạch giảm từ 1.549 đ xuống 1.116 đ/kg.
Cơ giới hóa trong sản xuất mía.
Để đạt những mục tiêu trên, TTC đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ tưới hiện đại quy mô lớn có suất đầu tư 40 triệu đ/ha, qua đó đưa năng suất bình quân từ 65 tấn lên 85 tấn/ha; công nghệ tưới hiện đại quy mô nhỏ bằng năng lượng mặt trời (thực hiện ở những vùng mía chưa có lưới điện), giảm chi phí nhiên liệu 14,4 triệu đ/ha. Mỗi năm đầu tư 30 tỷ đồng cho cơ giới hóa (làm đất, trồng mía, thu hoạch). Đầu tư khoảng 12 tỷ đ/năm cho chương trình giống mía sạch bệnh.
Bên cạnh đó, TTC đang đầu tư nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cạnh đường và sau đường, gồm: điện từ bã mía, nhiên liệu sinh học, thức ăn gia súc từ mật rỉ, cồn, phân vi sinh…
Không phải là đại gia như Minh Phú hay Thành Thành Công, nhưng Cty TNHH Đầu tư Dragon Việt Nam cũng đang mạnh dạn đầu tư KH-CN để hình thành chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm gừng. Bà Nguyễn Thu Hà, TGĐ Cty TNHH Đầu tư Dragon Việt Nam, cho biết, trong những năm qua, Cty đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất gừng chất lượng tốt, đảm bảo ATTP. Sau đó, Cty đã tiến hợp đồng, hợp tác trồng gừng với hơn 1.000 hộ dân tộc thiểu số. Cty đưa giống gừng, chế phẩm vi sinh, quy trình kỹ thuật, và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ nông dân trồng gừng.
Nhờ đó, mỗi năm đã tạo ra khoảng 10.000 ngày công lao động cho các hộ tham gia chuỗi giá trị gừng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trồng gừng: thu nhập cao hơn 3-5 lần so với trồng ngô và sắn, tất cả các hộ đều không dùng thuốc diệt cỏ trong khi trồng gừng.
Đồng thời khoảng 2.800 tấn rác thải nông nghiệp từ sản xuất gừng được Cty đưa vào xử lý thành phân vi sinh phục vụ lại việc trồng gừng. Toàn bộ sản phẩm gừng đều được Cty thu mua lại chế biến thành các sản phẩm GTGT như kẹo gừng, trà gừng… phục vụ tiêu dùng trong nước và XK.
Theo ông Nguyễn Thể Hà (Cty Bùi Huy Ngọ), để hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, cần phải xác định vai trò nòng cốt của cơ khí nông nghiệp trong các chuỗi giá trị nông sản. Phát triển cơ khí nông nghiệp trong nước sẽ giúp tạo giá trị tăng thêm trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, tạo nội lực để nông nghiệp chủ động phát triển bằng đồng vốn tích lũy của chính mình.
Ông Hà cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành cơ giới hóa trong các chuỗi giá trị nông sản bằng chính công nghệ Việt Nam, bằng ngành cơ khí trong nước. Chẳng hạn, cơ khí trong nước đã thay thế thiết bị nhập khẩu, góp phần quan trọng hiện đại hóa ngành chế biến lúa gạo, giúp cho các doanh nghiệp lương thực chủ động xay xát 45 triệu tấn lúa/năm, đồng thời đã XK thiết bị chế biến lúa gạo tới hơn 20 nước.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:
Tạo các chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao lợi thế, vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp…, đang là những vấn đề nóng của ngành nông nghiệp nước ta. Chỉ khi đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp thì mới tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị từ tạo giống, nuôi trồng đến chế biến. Những kết quả mang lại đã minh chứng rõ hơn vai trò KH-CN trong việc mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT:
Nông nghiệp nước ta đang có mức tăng trưởng bình quân 3,5%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tăng trưởng của nông nghiệp trong thời gian qua đang phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động trẻ, khỏe. Nhưng những nguồn lực này lại đang cạn đi. Vì vậy, đã đến lúc phải tìm những nguồn lực mới để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Thời gian qua có nhiều mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học, bước đầu hình thành một số chuỗi giá trị nông sản. Nhưng mối liên kết nhìn chung còn lỏng lẻo, sự tham gia của nhà khoa học chưa thật sự mạnh mẽ. Phần lớn nông dân còn sản xuất quy mô nhỏ, manh mún nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.
Năng lực công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghiệp cao, nông sản chủ yếu là xuất khẩu thô, sơ chế, mẫu mã chưa hấp dẫn. Đây là thách thức không nhỏ cho nông sản Việt Nam khi hội nhập.