Nét đẹp văn hóa làng biển
Làng chài Phước Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành) trở nên bận rộn hơn khi cá Ông lụy vào bờ. Mấy ngày qua, nhiều ngư dân nghỉ biển để lo hậu sự cho “Ông”. Đây là nét văn hóa có từ lâu đời ở làng chài này.
Rước Ông lụy bờ
Có lẽ ông Phạm Ngọc Toàn - ngư dân thôn Phước Lộc là người vất vả nhất từ khi cá Ông lụy vào bãi biển Rạn (thôn Phước Lộc). Ông Toàn cho biết mấy ngày qua phải “toát mồ hôi” để tìm mọi cách cấp cứu cho Ông. Sau khi Ông lụy bờ, ông Toàn hối hả huy động người dân đào bể trên bãi biển, trải bạt, tìm dụng cụ tiếp ô xy… Ông Toàn nói: “Biết là sẽ khó cứu sống vì trước khi vào bờ, Ông đã có nhiều vết thương, nhưng mình cũng cố gắng cứu chữa, hy vọng “ngài” có thể hồi phục mà về với biển”. Những nỗ lực của người dân cũng không thể giúp Ông qua khỏi. Và đêm đến, khi mọi người đã ra về, ông Toàn phải thức trắng để canh giữ thi hài của vị thần biển.
Ông Toàn được xem là người có duyên với chuyện nghinh rước, chăm sóc, lo hậu sự mỗi khi cá Ông lụy vào bãi biển này. Năm ngoái, ông cũng là người đứng ra lo hậu sự cho một Ông có kích thước lớn dạt vào bãi biển Phước Lộc. Ông nói mình vừa mãn tang với vị thần biển dạt vào hồi năm ngoái thì nay lại thêm một Ông nữa lụy vào. Ông lụy bờ lần này có trọng lượng khoảng 1,5 tạ, dài hơn 2m, là giống cá voi mà ngư dân thường gặp trong quá trình đánh bắt trên biển. Ông Toàn kể, trước khi lụy bờ, Ông lòng vòng mấy ngày ở khu vực chân sóng. Nhiều phương tiện đánh bắt hải sản ở địa phương khác phát hiện, điện đàm cho nhau rồi tổ chức nghinh rước vào bãi biển thôn mình nhưng Ông không chịu vào. “Sau khi nhận được tin của ngư dân, tôi cùng con trai bơi thúng ra, thắp hương khấn vái “ngài” vào bờ để chúng tôi chăm sóc, an táng và thờ phụng chu đáo. Chỉ sau đó ít phút, “ngài” nhắm hướng lăng thờ cá Ông trên bãi biển bơi vào. Chúng tôi nhảy xuống mép nước dìu “ngài” vào” - ông Toàn cho biết.
Theo quan niện của ngư dân, cá Ông là vị thần Nam Hải linh thiêng, thường cứu giúp người không may gặp nạn trên biển; nếu Ông lụy vào bãi biển nào thì ngư dân ở đó sẽ có một mùa đánh bắt bội thu. Ông Toàn cho biết, ông bám biển đã hơn 30 năm nay và được Ông nhiều lần cứu giúp. Ông Toàn kể, lần gần đây nhất là vào năm ngoái, trong lúc đánh bắt thì biển nổi gió bất thường, phương tiện của ông phải chạy về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để trú ẩn. Khi tàu đang chạy, vì sóng quá lớn mà phương tiện nhỏ, lại quá cũ kỹ nên tàu trốc xảm (một loại chất xơ trộn với dầu rái nhét vào kẽ ván trên thân tàu), nước vào tàu lai láng. Biết sẽ gặp nguy hiểm, ông Toàn thắp hương đứng trước mũi tàu khấn vái mong thần Nam Hải phù hộ, bất ngờ có một đàn cá voi bơi sát bên hông tàu làm sóng tan ra, tàu bớt chao đảo và về tới Lý Sơn an toàn.
Mong làng chài bình yên
Buổi lễ an táng cá Ông diễn ra trên bãi biển thôn Phước Lộc rất trang nghiêm theo nghi thức thuyền thống của địa phương. Đông đảo ngư dân và người hiếu kỳ ở các vùng lân cận tham dự. Lễ an táng rợp cờ phướn trong tiếng chiêng trống, khói hương nghi ngút. Người dân địa phương còn rước cả dàn nhạc hiếu và đội hát bả trạo phục vụ lễ táng. Chủ lễ là các vị cao niên trong làng, ông Toàn đầu đội khăn đỏ chịu tang vị thần Nam Hải. Theo lão ngư Ngô Thanh Khôi (thôn Phước Lộc), vì cá ông là vị thần biển nên lễ an táng cũng có phần giống với nghi lễ an táng của con người. Cũng chiêng trống, nhạc hiếu, cờ phướn, văn tế, người chịu tang… nhưng có thêm đội hát bả trạo đưa linh. Ông Khôi cũng là người viết văn tế đưa tiễn vị thần biển Nam Hải lụy bờ lần này. Ông nói: “Tuy giống nhau về nghi thức nhưng đám tang của cá Ông không bi lụy như con người. Dân ở đây quan niệm cá Ông lụy bờ là điềm tốt, là vị thần tìm về nơi thờ tự cuối cùng sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trên biển. Bởi vậy, văn tế cá Ông chủ yếu kể công trạng của vị thần biển, nói về sự tôn kính và niềm tin, tín ngưỡng của cư dân địa phương”.
Ông Khôi cũng cho biết, trước đây trên bãi biển này đã từng có cá Ông nặng hàng chục tấn lụy vào. Dân làng mở hội an táng. Tại đây đã hình thành một khu nghĩa địa cá Ông. Những năm gần đây, dân làng cũng thường xuyên mở hội cầu tế cá Ông trước mỗi mùa biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương. Để góp phần lo hậu sự cá Ông chu đáo, chủ các phương tiện khai thác hải sản ở Phước Lộc đã đóng góp kinh phí, cùng với người dân, chính quyền địa phương tổ chức lễ an táng trang nghiêm theo văn hóa truyền thống. Năm ngoái, một cá Ông cũng đã lụy vào bờ biển này, dân làng cũng đứng ra tổ chức, người dân khắp nơi đóng kinh phí cho tổ chức lễ an táng, rồi xây lăng thờ Ông tại địa phương. Ông Toàn nói: “Tín ngưỡng dân gian thờ phụng cá Ông ở làng biển nào cũng có và thường khơi dậy tinh thần đoàn kết, sống kính trên nhường dưới, thuận theo đất trời của con người. Lo hậu sự cho cá Ông là nét văn hóa truyền thống, dân làng tổ chức trước hết để thỏa cái tâm với biển và cũng là thể hiện niềm mong mỏi bình yên”.