Nếu tất cả mọi người đều ăn tôm
Nền kinh tế ảm đạm, khủng hoảng xảy ra, người dân Việt “thắt lưng buộc bụng”. Việc tôm mất giá hay không mất giá không quan trọng, điều quan trọng bây giờ là người dân luôn mang tâm lý tiết kiệm nhất có thể để cầm cự qua những ngày tháng khó khăn.
Thực trạng ngành nuôi tôm Việt Nam "Được mùa mất giá, được giá mất mùa". Trong thời điểm giá thấp như hiện tại. Bản thân tôi có 1 suy nghĩ như sau:
- Tư tưởng người Việt Nam vẫn nghĩ tôm là 1 thức ăn xa xỉ chỉ dành cho người có tiền. Tuy nhiên với giá hiện tại 50 con/kg chưa tới 100.000 VNĐ.
- Ví dụ: 1 người sử dụng 1 kg tôm/tháng. Như vậy là Việt Nam có thể tiêu thụ 100.000 tấn tôm/tháng.
- Nếu được vậy có thể giải quyết được vấn đề nan giải cho thực tế cho ngành tôm bây giờ.
- Mong nhà nước hoặc những cơ quan có trách nhiệm cùng chung tay với ngành tôm hiện tại.”
Tình cờ đọc được bài viết này trên Facebook, tôi lại nhớ đến câu nói của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường khi ông nói đến triển vọng ngành tôm của nền Nông nghiệp Việt Nam: “Mỗi người trên thế giới ăn một cân tôm mỗi năm, thì thị trường này sẽ có mức tiêu thụ 7 triệu tấn”.
Liệu có thật sự “lý tưởng” như vậy, và có cách nào để viễn cảnh đó trở thành sự thật. Khi mà thị trường tôm đang trở nên cực kỳ ảm đạm trong vài năm trở lại đây? Tại thị trường Việt Nam, tôm đã giảm trung bình 50.000 VNĐ/kg, người nông dân hiện bây giờ chỉ cầm chừng cho qua ngày hoặc chuyển sang mô hình chăn nuôi khác. Không ít những trường hợp người nông dân đã phải phá sản vì không thể tìm được hướng đi mới.
Nền kinh tế ảm đạm, khủng hoảng xảy ra, người dân Việt “thắt lưng buộc bụng”. Việc tôm mất giá hay không mất giá không quan trọng, điều quan trọng bây giờ là người dân luôn mang tâm lý tiết kiệm nhất có thể để cầm cự qua những ngày tháng khó khăn. Họ không thể chi được nhiều tiền cho những món mà ngay từ trong tiềm thức họ đã cho là xa xỉ.
Nhà nước mãi đưa ra chính sách ưu đãi, người nông dân thì mãi trông chờ vào thiên nhiên, được mùa thì mừng, mưa bão nhiều thì mất giá, thua lỗ. Nhiều người cạn vốn, đất đai đã thế chấp ngân hàng, nợ đại lý thức ăn hàng trăm triệu. Ai cũng nói nuôi tôm là “siêu lợi nhuận”, nhưng liệu hình thức “siêu lợi nhuận” này có bền vững, hay chỉ là một trò chơi cờ bạc dựa vào số phận, trời đất?
Không phải cứ đơn giản là 1 người sử dụng 1kg tôm/tháng sẽ “cứu” được cả ngành tôm. Để cứu được ngành tôm Việt Nam hiện tại, chúng ta sẽ làm nhiều điều hơn, phức tạp hơn.
Để không còn tình trạng “được giá mất mùa - được mùa mất giá”, ngành tôm phải trải qua một quá trình có sự hỗ trợ, liên kết từ doanh nghiệp đến người nông dân, từ đó tạo ra một mô hình nuôi tôm vĩ mô bền vững. Nếu không thì việc nuôi tôm sẽ trở thành một gánh nặng và không mang lại lợi ích như mong đợi.
Nghiên cứu của Hội Nghề Cá Việt Nam cho biết vào năm 2020, thu nhập của người nuôi cá tra có thể giảm 3 tỷ đồng/ha và các hộ nuôi tôm sẽ giảm 950 triệu đồng/ha vào năm 2050 do biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, các nhà máy chế biến hiểu rõ thị trường vẫn chưa liên kết trực tiếp với người nông dân. Đến bây giờ, Việt Nam vẫn không tự sản xuất giống tôm bố mẹ: phần lớn giống được nhập về từ Thái Lan và Hawaii. Và cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về cách ứng phó với biến đổi khí hậu, hoặc ít nhất là người nông dân cần phải làm gì để sản xuất ra tôm cho cả thế giới.
Như vậy, nếu ngay bây giờ cả Việt Nam, thậm chí cả thế giới đều ăn tôm, gia đình của những người nông dân nuôi tôm nghèo vẫn không thấy được lợi ích. Họ vẫn sống khó khăn, và tin rằng mất mát của họ là do sự định đoạt của số phận, do trời đất.